Nhắc tới bún trộn, người ta sẽ nghĩ ngay tới bún bò Nam Bộ, bún mắm với nhiều nguyên liệu. Tuy nhiên, bún trộn chả cá bọc sả được giản lược những thành phần phụ để tập trung vào hai nguyên liệu quan trọng nhất là chả cá và bún.
Các món ăn mang phong vị phương nam thường có vị ngọt mát, phù hợp với tiết trời và khí hậu. Tuy nhiên, để kích thích vị giác cho thực khách, vị chua trong bát bún được chế biến từ me bóc vỏ, lấy phần bên trong đun lên và chắt lấy nước cốt. Khi sơ chế, người đầu bếp sẽ hãm vị nồng của me và giữ lại vị thanh mát, chua ngọt để thực khách không cảm giác khé cổ hay ngọt quá. Nước sốt được chan xâm xấp tô bún.
Bún được trình bày bắt mắt trong tô với màu xanh của rau, màu trắng của bún và màu cam sậm của chả cá. Ảnh: Minh Đức
Nếu muốn tăng thêm vị cay, bạn có thể dùng với tương ớt. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận thứ nước dùng chua ngọt ngấm đều vào sợi bún, quyện với cái bùi ngậy của lạc rang và vẫn giữ lại chút thanh mát bởi rau sống.
Yếu tố quan trọng nhất của món là chả cá bọc sả. Người đầu bếp thường dùng cá quả, băm nhỏ và ướp gia vị, cuốn quanh thân sả và nướng. Chả cá sau khi nướng vẫn mềm vì nước từ sả sẽ ngấm đều vào trong miếng thịt, cũng như tăng hương vị cho chả cá.
Bạn có thể rút sả ra để ăn riêng hoặc thưởng thức cùng nhau. Miếng chả cá vàng rộm, được nướng đều tay nên có màu sáng. Mùi thơm của sả và cá không bị tách biệt mà hòa quyện với nhau.
Thành phần đơn giản nhưng lại hỗ trợ nhau để món ăn có sự thống nhất. Sự đậm đà và tính khô của cá kết hợp với sả, và bún trộn đi cùng chả cá. Chua, cay, mặn, ngọt, bùi và thanh mát đầy đủ với việc sử dụng ớt, lạc, rau sống.
Địa chỉ tham khảo cho bạn là quán bún trộn trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, giá một bát khoảng 30.000 đồng. Ngoài ra, bạn có thể thử các món bún trộn hoành thánh, bún trộn Nam Bộ với nhiều hương vị độc đáo khác.
Theo Minh Đức/VnExpress