Dưa leo xắt mỏng trộn lá sầu đâu đăng đắng, tí thơm chua chua và khô cá lóc nướng thơm lừng tạo nên món ăn đặc sản của người miền Tây.
Cây sầu đâu còn được gọi là cây xoan nhưng không giống với cây xoan ở miền Bắc và miền Trung. Tại miền Nam, sầu đâu mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nam như An Giang, Kiên Giang, cây thân gỗ cao chừng vài mét, lá xanh bông trắng nở từng chùm. Lá sầu đâu non có vị đắng nhưng để lại hậu ngọt nơi đầu lưỡi.
Một số đầu bếp gia đình, thậm chí các quán ăn tại miền Tây dùng lá sầu đâu nấu canh hoặc làm gỏi, tuy nhiên tuyệt đỉnh nhất của sầu đâu làchế biến món gỏi dưa leo trộn cùng khô cá lóc nướng.
Sầu đâu dùng để làm gỏi là đọt sầu đâu còn non, rửa sạch, xắt nhuyễn. Để giảm bớt vị đắng, một số người trụng chín vào nước sôi, tuy nhiên cách làm này làm mất đi hương vị của lá, chính vì thế, dùng lá tươi vẫn là cách tốt nhất.
Chọn dưa leo tươi non để có độ giòn và ngọt. Dưa rửa sạch mang đi bào bỏ một phần vỏ theo kiểu sọc dưa, sau đó dùng dao bào bào mỏng theo khoanh tròn. Cùng với dưa leo, để món ăn thêm đa dạng hương vị, cần chuẩn bị nửa trái thơm xắt lát mỏng hoặc có thể bằm nhỏ. Để món gỏi thơm hơn, có thể trộn kèm rau răm và ít húng quế.
Khô cá lóc dùng để trộn gỏi phải là loại cá lóc đồng và ngon nhất là loại khô chỉ được phơi từ 2-3 nắng (tức khô không quá cũ). Một số người chọn cách chiên do dễ thực hiện, chỉ cần bắc chảo lên bếp, cho tí dầu ăn rồi chiên cho đến khi chín vàng, tuy nhiên so với nướng lửa than thì cách làm này làm giảm mùi thơm độc nhất vô nhị của cá lóc phơi khô. Khô sau khi nướng, để nguội, loại bỏ xương rồi xé khô thành từng miếng nhỏ.
Dưa leo tươi, lá sầu đâu non, thơm chua ngọt, khô cá lóc nướng góp phần làm nên món gỏi đặc sản Tây Nam bộ, tuy nhiên theo các đầu bếp, việc nêm nếm gia vị khi trộn mới là bí quyết khiến món ăn ngon.
Một số người cho thẳng nước mắm, đường, bột ngọt vào rồi trộn tất cả các nguyên liệu lại với nhau, số người khác lại pha nước mắm để trộn hoặc để chấm khi ăn. Nước mắm được làm bằng cách bằm nhuyễn tỏi ớt, đường cát, bột ngọt, chanh hòa cùng nước lọc và nước mắm. Để dễ nêm, chỉ nên chọn loại nước mắm thường, không nên cho loại nước mắm cao cấp.
Được xem là sự kết hợp tinh tế đầy tính sáng tạo của các đầu bếp gia đình, món gỏi dưa leo trộn thơm, lá sầu đâu và cá lóc nướng khiến thực khách cảm nhận được cái đăng đắng ngòn ngọt của lá sầu đâu, vị chua chua của thơm, nét giòn mát của dưa leo và miếng khô mằn mặn thơm lừng.
Gỏi có thể ăn kèm với bánh phồng tôm chiên, hoặc cũng với bát cơm nóng. Đây còn là món mồi nhắm khoái khẩu của đấng mày râu trong những dịp rảnh rỗi.