Tuy nhiên giống cá tựa cá mè vinh, có mắt đỏ này chỉ quen thuộc với dân miền Trung và Bắc. Dường như trong Nam không có cá diếc sinh sống, có lẽ do thổ nhưỡng hoặc môi sinh không phù hợp. Song nói thế không có nghĩa người sành ăn Nam bộ không biết thưởng thức cá diếc mặc dù có thể ký ức về cá diếc của họ nghèo nàn hơn.
Bổ dưỡng
Sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh gọi cá diếc là “tức ngư”. Theo đó, cá diếc có thể giúp chữa nhiều bệnh. Cụ thể: trị chứng lao tổn do “ăn ở mất chừng mực, ham muốn quá độ”. Chữa bệnh tiểu đường: “cá diếc một con bỏ ruột, lấy lá trà bỏ vào ruột cho đầy, bọc nhiều giấy đem nướng chín mà ăn…”. Trị chứng ăn không tiêu do tỳ vị hư lạnh, lười vận động lại ăn uống quá độ bằng cách: “cá diếc to, bỏ ruột, lấy 5, 6 tép tỏi dồn vào bụng cá, ngoài gói vài lớp giấy, nướng chín. Bỏ tỏi đi, ăn cá. Ngày ăn hai ba lần”.
Còn theo BS. Đào Minh Sơn, những người mắc chứng xuất tinh sớm, di tinh, dương vật khó cương cứng nên thường ăn cá diếc. Bài thuốc này như sau: cá diếc một con, hạt sen 20gr, thịt nạc thăn 50gr, dâm dương hoắc, đỗ trọng 8gr, gia vị, rượu đủ dùng. Cá làm sạch, thịt nạc thăn rửa sạch, thái nhỏ, thịt nạc và các vị thuốc trên rửa sạch, buộc kín trong túi vải cho vào bụng cá, đặt cá vào chõ hấp chừng 30 phút là dùng được.
Từ xưa, trong kho tàng y thực Việt đã có bài thuốc canh cá diếc nấu với rau hẹ ta hoặc rau má cơm (loại rau má cọng và lá nhỏ, mềm dẻo, vị nhân nhẫn) hay rau sam non giúp thanh nhiệt, trợ gan.
Ngoài ra, cá diếc còn làm được nhiều món ngon khác, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc.
Khoái khẩu gỏi cá diếc
Món này do một anh bạn, chủ quán ở Q.3, TP.HCM, chế ra, hương vị thanh tân và an toàn hơn món gỏi cá diếc nguyên con ở miền Bắc. Cá diếc chọn những con to ngang trên hai ngón tay rưỡi người lớn làm sạch, lóc bỏ xương, xắt mỏng thịt vừa gắp.
Thịt cá xắt xong ngâm trong nước muối khoảng mười phút, vớt ra để ráo rồi vắt chanh vào cá cho chín tái, lại vắt nước ra tiếp. Thính trộn gỏi là hỗn hợp gạo nếp và bắp rang vừa cháy, tỷ lệ 2/3, giã mịn, đợi khi ăn mới trộn dần vào cá. Kỳ công hơn là khâu chế nước xốt.
Ngoài xương mớ cá vừa lóc ra, anh bạn này còn gia thêm ít thịt heo nạc và tép tươi, bằm nhuyễn và ít nấm rơm xắt ba. Thêm một ít tương hột và mè giã để tăng độ béo, bùi tự nhiên.
Nước dùng hầm là nước dừa xiêm, lúc sôi bùng anh không đậy nắp, để lửa nhỏ, vớt bọt thường xuyên. Gia vị vừa ăn. Khi gần bắc xuống anh còn cho vào ít tinh dầu cà, ớt màu và bột mì tinh để tạo thêm độ sánh và màu vàng tươi thật đẹp mắt.
Rau cho món gỏi này càng nhiều càng tốt: chuối chát, dưa leo, khế hườm… xắt mỏng, thêm húng lủi, diếp cá, tía tô cùng cải bẹ xanh non. Tất cả tạo dư vị chát, nồng, chua, thơm dịu vừa kích thích vị giác vừa trợ tiêu hiệu quả. Rồi cuốn mỗi thứ một ít, chấm vào nồi nước xốt nhỏ đang bốc khói. Khách nhai từ tốn sẽ nhận ra vị ngọt thanh của cá tươi đang ngậm đủ tinh chất từ nước xốt giàu đạm, thơm phức xen lẫn vị chua chua, chan chát, nhân nhẫn của các loại rau ăn kèm.
Quả là một món ăn đủ đầy đạm, đường, tinh bột, chất béo và giàu vitamin nên thực khách cứ cuốn rào rào! Điểm sáng tạo rõ nét của món này là nước xốt luôn được đun sôi, giúp tiệt trùng một lần nữa những miếng thịt cá diếc tươi hồng bởi cá diếc thường sống trong môi trường nước ngọt nên làm món tái không an toàn bằng cá biển.
Nếu không có cá diếc, bạn có thể áp dụng công thức trên cho cá chép, điêu hồng… tươi vẫn ngon lạ thường.
Cá diếc rau răm
Những khi bạn bị cảm, người mệt mỏi chán ăn, thử ăn canh cá diếc rau răm sẽ tươi tỉnh hẳn. Nồi canh cá diếc đang tỏa khói và phảng phất thơm, một mùi thơm nồng lẫn hăng nhẹ do tinh dầu từ rau răm và ớt xanh tạo nên làm mũi thực khách như thông thoáng hơn. Thịt cá diếc tươi rất ngọt, nên người nấu khỏi cần gia vị bột nêm hay đường vẫn hấp dẫn. Riêng trứng cá diếc béo thanh, không ngậy càng ăn càng ghiền. Ở miền Trung, vào lúc mưa dày, khoảng tháng chín-mười âm lịch, cá diếc cái thường ôm trứng. Còn cá diếc sông Thu Bồn, đoạn qua Hội An, gần như đẻ lai rai quanh năm. Song thịt những con cá đang ôm trứng nhạt hơn cá… thiếu nữ! Mật cá đắng thanh mà hậu ngọt, vảy cá beo béo rất ấn tượng.
Thêm nữa, cá diếc chứa nhiều xương hom nên người quen ăn luôn vẽ sớ cá xuôi theo chiều xương, từ sống lưng ra sẽ “ngon ăn hơn”. Sau cùng, bạn vừa thổi vừa húp những muỗng nước canh ngọt dịu, thơm nồng lẫn cay ấm, trán sẽ lấm tấm mồ hôi rồi khoan khoái dâng trào.
Hay khi vào bàn nhậu, đến lúc sắp “ngất ngư” mà đối tác vẫn còn muốn “dzô 100%”, nếu có, bạn thử gọi món này cứu bồ. Người viết từng trải nghiệm, canh này giúp dã rượu rất hiệu nghiệm.
Được biết, xuất xứ món canh này từ miền Trung, còn gọi là nấu ngọt. Tỷ lệ giữa cá và rau răm khoảng 1-1 hoặc 1-2, thêm trái ớt xanh giã dập, một vài lát khóm chín và mấy miếng cà chua, ít tiêu sọ giã. Bạn nấu nước sôi trước, cho cá vào, năm phút sau cho thơm, ớt và phân nửa lượng rau răm vào, năm phút sau cho tất cả vào.
Món này bạn có thể ăn kèm với bún hoặc cơm, chấm nước mắm nhĩ giầm ớt xanh hoặc ớt hiểm hay muối tiêu, muối ớt chanh đều ngon tinh nguyên.
Tạ Tri
Nguồn: thanhnoen.com.vn