Thị trường rau sạch đang phát triển mạnh, không chỉ nhiều thương hiệu mà còn nhiều loại với nhiều mức giá khác nhau khiến người tiêu dùng hoang mang khi lựa chọn.
Dưới đây là cách phân biệt về “độ sạch” của các loại rau này.
“Rau càng sạch, giá càng cao” là khẳng định của một cán bộ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM. Loại sạch nhất trên thị trường hiện nay là rau đạt tiêu chuẩn Organic (còn được gọi là rau hữu cơ). Rau đạt tiêu chuẩn này phải được trồng theo phương pháp hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng chất hóa học trong quá trình trồng. Thậm chí, đất trồng cũng phải đảm bảo sạch, không chứa hóa chất độc hại như kim loại nặng, nhiễm dioxin…, giống rau phải thuần chủng, không phải giống biển đổi gen.
Rau càng sạch giá càng cao
Tuy nhiên, giá bán cao gấp 3 – 6 lần so với rau thông thường. Chẳng hạn, xà lách các loại giá từ 85.000 – 173.000 đồng/kg, rau thơm 196.000 đồng/kg, thì là 136.000 đồng/kg, măng tây 82.000 đồng/kg, cà chua 60.000 đồng/kg, ớt 69.000 đồng/kg, nho xanh 165.000 đồng/kg, dâu tây 160.000 đồng/kg, bông cải xanh 110.000 đồng/kg, cà rốt khoảng 70.000 đồng/kg, bầu và bí từ 50.000 – 70.000 đồng/kg, rau muống 35.000 đồng/kg, cải ngọt 40.000 – 50.000 đồng/kg, rau đay và mồng tơi 60.000 đồng/kg…
Thấp hơn một chút là tiêu chuẩn Global Gap. Với tiêu chuẩn này, người trồng được sử dụng hóa chất trong quá trình trồng rau nhưng phải là loại hóa chất nằm trong danh mục cho phép sử dụng theo tiêu chuẩn quốc tế. Và khi thu hoạch, hàm lượng dư lượng hóa chất không được vượt ngưỡng mức cho phép (cũng theo tiêu chuẩn quốc tế).
Xếp cuối bảng là tiêu chuẩn Viet Gap. Rau đạt tiêu chuẩn này cũng được sử dụng hóa chất trong quá trình trồng. Đó là những loại hóa chất nằm trong danh mục cho phép sử dụng theo tiêu chuẩn của VN. Và sau khi thu hoạch, hàm lượng dư lượng hóa chất không được vượt ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn VN. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này không cao bằng tiêu chuẩn Global Gap. Giá bán trên thị trường hiện tương đương hoặc chỉ cao hơn rau bình thường khoảng 10%.
Cẩm Nhi
Ảnh: Nguyên Trang