1. Thái thịt không đúng thớ
Các chuyên gia nấu ăn ở Mỹ đã tiến hành một thí nghiệm với máy phân tích và thấy rằng khi thái thịt ngang thớ thì hầu như có rất ít sự khác biệt giữa thịt thăn và thịt bụng hông bò. Từ đó các chuyên gia khuyên bạn không cần phải bỏ ra một số tiền chênh lệch khá lớn để mua thịt bò thăn, thịt hông vẫn ngon một khi thái đúng thớ.
Khi nấu nướng, các bà nội trợ không mấy quan tâm tới đến thớ (hướng sắp hàng của các sợi cơ thịt) và đó là nguyên nhân khiến miếng thịt dai ngoằng, mất ngon cũng như tiêu tốn thời gian nấu. Đôi khi chỉ vì thái không đúng thớ mà còn làm hỏng cả món ăn.
Trước tiên cần lưu ý, với cả thịt lợn, hay thịt bò thì thớ thịt ở hông, ba chỉ dễ nhận ra hơn thớ ở thịt thăn nội. Bạn chỉ cần nhìn sợi thịt và cắt ngang thớ, tức cắt cho các sợi thịt ngắn lại, phá vỡ các mô liên kết của chúng thì sẽ dễ ăn hơn. Cụ thể hơn với thịt lợn, nên thái chéo miếng thịt cho ngang thớ. Với miếng thịt còn dính cả da, bạn có thể thái theo cách quay đầu nạc về phía mình hoặc úp thịt xuống thớt, phần da lên trên.
Với mỗi món ăn khác nhau thì cách thái cũng khác nhau, nên thái vuông con chì với món kho tàu, mỏng to bản với món xào và càng mỏng càng tốt với món thịt luộc.
Với thịt bò hãy đặt con dao nghiêng, thái ngang cho các miếng thịt bản to và mỏng. Riêng thịt gà, vịt bạn hãy chặt dọc sợi thịt để miếng thịt không bị vỡ nát.
Hướng phần thịt nạc vào người bạn hoặc úp mặt thịt xuống thớt, da, mỡ lên trên để dễ thái hơn. Ảnh: Foodcooking.
2. Thái thịt ngay khi mua về
Hầu hết mọi người thái thịt luôn khi mua về mà không để ý cách này khiến chúng ta khó thái và miếng thịt không được thẩm mỹ. Ví dụ bạn muốn làm món thịt ba chỉ cuộn nấm, yêu cầu dải thịt phải mỏng, dài. Tuy nhiên nếu thái trực tiếp sẽ khó đạt được yêu cầu này.
Mẹo đơn giản là hãy đông lạnh miếng thịt cần sơ chế để thái lát được dễ dàng hơn. Phần nước bên trong miếng thịt khi đông thành đá sẽ giúp cho nó cứng lại. Hãy nhớ rằng bề mặt miếng thịt chỉ nên đủ mềm để thái lát chứ không nên đông cứng hoàn toàn.
3. Thái thịt ngay khi luộc chín
Thịt mới luộc đang còn nóng, nước bên trong chưa thoát ra ngoài và nếu chặt thái luôn sẽ dễ bị nát, thớ thịt không đẹp. Tốt nhất, với thịt lợn hãy để nó nghỉ khoảng 10 phút. Với gà luộc cần phải để 30 phút trở lên. Lúc nào nước đã thoát ra, miếng thịt cũng săn chắc lại.
Thịt bò nên thái ngang thớ để dễ ăn. Ảnh: Foodnetwork.
4. Dùng sai dao thái
Nhiều người không chú ý đến các loại dao dùng trong nhà bếp, mà tùy tiện dùng loại dao để băm chặt cho thái, gọt hoặc ngược lại dùng dao thái để băm chặt. Trong nhà bếp bạn hãy sắm ít nhất các loại dao cơ bản như: dao phay (dày, nặng, to), dao thái (mỏng), dao gọt (nhỏ, gọn), một con dao đa năng. Ngoài ra bạn có thể trang bị thêm các loại dao khắc, dao lọc… Một số bà nội trợ thậm chí còn đầu tư một con dao chuyên để thái thịt bò để giúp miếng thịt mỏng, to bản và mềm nhất.
Muốn món ăn được đẹp mắt, cần một con dao thặt sắc để thái nhưng một số người không mấy chú ý mài dao trước khi thái. Đôi khi vì thế mà thịt thái ra bị in vết răng cưa, người thái phải dùng sức quá nhiều. Nên nhớ một trong các bí quyết cho các món thịt ngon là luôn có một con dao thật sắc.
5. Dùng sai loại thớt
Ngoài dao thì nhiều người cũng không chú ý đến thớt. Khi thái thịt, bạn có thể dùng một cái thớt mỏng, nhẹ được nhưng khi băm chặt bắt buộc phải có một cái thớt to nặng. Độ nặng của thớt sẽ giúp miếng thịt được đẹp mắt, trông dứt khoát, tránh tình trạng phải chặt 2-3 lần.
Nên có 3 cái thớt cho các mục đích khác nhau trong nhà bếp. Một cái dùng để thái đồ sống, một cho đồ chín và một để thái rau quả. Thớt được chứng minh bẩn gấp nhiều lần bồn cầu. Bạn nên rửa sạch mỗi khi chế biến và thường xuyên tẩy trùng cho nó. Thay thớt theo khuyến cáo từ 3 đến 6 tháng.
Theo VnExpress