Ngon khó phai cháo trai cà muối giữa thành Cổ Loa

Tôi không khoái cháo, nhưng cháo trai cà muối bán ở cái quán con con trước cổng chợ Sa, lối vào khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội lại là một ngoại lệ.

Quán nhỏ xíu, không biển quảng cáo, bên trong còn lỉnh kỉnh vài thứ hàng tạp hóa chủ quán bán thêm. Vì cháo chỉ bán từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều, khách không ra kịp sẽ đành nhịn đói buồn bã ra về.

Hai cái bếp than đỏ lửa đặt trước quán, trên đó là 2 cái nồi cháo lớn sôi lục bục. Đúng y chang lời bà cụ bán nước chè đầu làng, 3 giờ rưỡi chiều, người đến quán đã chật kín. Người đến sau tự tìm chỗ trống mà ngồi ghép vào, đều là người cùng làng, xã nên không ngại ngùng mà vừa ăn cháo vừa tám thoải mái.

Ngon khó phai cháo trai cà muối giữa thành Cổ Loa

Cháo trai ăn với quẩy chiên vàng và cà muối chua giòn ở Cổ Loa Tô cháo đầy được bưng ra, phía trên rắc một lớp nhìn qua như thịt bằm nhỏ với hành khô, hạt tiêu. Thêm một lớp ruốc từ thịt nạc, một đĩa quẩy vàng rộm chiên giòn bên cạnh, một bát con con đựng vài quả cà muối giòn sần sật, là đủ một bữa no.

Tuy nhiên, theo văn hóa ăn uống của bà con ở đây, cháo trai ăn với quẩy chiên phải thêm ít cà pháo muối xổi mằn mặn để đưa vị. Dưa cải muối cũng tạm chấp nhận được, nhưng cà muối có độ giòn và thơm nhất định, vẫn được người già và trẻ con chuộng nhất.

Trộn đều tô cháo và nghe mùi hạt tiêu, hành khô, thịt nạc, rồi thịt trai quyện vào thơm nức mũi. Đến khi đưa lên miệng thìa cháo đầu tiên, tôi ngỡ ngàng vì độ ngọt bất ngờ của món ăn mình đang nếm. Cái ngọt lừ của thịt trai được bằm nhỏ cùng thịt nạc, xào săn lại cùng với rau răm và hạt tiêu, hành củ không thể nhầm lẫn với cái ngọt thô kệch của thìa mì chính.

Lần đầu tiên tôi ăn cháo với cà muối, đúng như lời người làng, ăn một lần là nhớ. Quả cà muối không chua quá mà chỉ vừa tê tê lưỡi. Cà muối chung với ớt tươi, càng thêm độ cay nồng cho món ăn thêm hấp dẫn.

Ngon khó phai cháo trai cà muối giữa thành Cổ Loa

Một góc thành Cổ Loa

Cháo ăn ngày mưa, trời lành lạnh. Cháo nóng. Ớt cay, hạt tiêu cay, cà muối cay, rau răm cũng cay. Tôi xì xụp không kịp nghĩ vẩn vơ. Ăn đến khi thấy mặt mũi đỏ bừng, trán lấm tấm mồ hôi thì dừng lại. Bụng đã no căng mà tô cháo vẫn còn. Tất cả chỉ đúng 10.000 đồng.

Bà bán hàng nước thấy tôi khen lấy khen để món cháo trai làng mình thì bảo, ăn thế vẫn là chưa đúng “gu” của thôn chợ Sa. Người làng mỗi khi vào quán chỉ bảo cho 2.000 cháo rồi 3.000 thịt trai. Thêm 1.000 cà, 1.000 quẩy nếu thích, còn không, riêng cái phần cháo và thịt trai kia đã đủ đặc quánh lại cho một bữa ăn ngon nhớ đời.

Tôi không tiếc vì mình đã gọi “trọn gói” một bữa cháo trai. Chỉ thấy tiếc sao bụng mình hẹp quá, không ăn hết được một phần cháo đầy ú hụ với giá 10.000 đồng.

“Trẻ con đi học về. Người lớn vừa làm đồng xong. Chỉ cần 5.000 cháo trai là đủ lót dạ về trước bữa cơm chiều. Tôi cứ hôm nào thấy người oai oải, chẳng muốn làm gì, chỉ cần 3.000 cháo trai lại tỉnh như sáo sậu”, bà lão có mái tóc bạc như cước cười sang sảng nói với khách lần đầu đến làng.

Bà lão bảo thêm cứ đến Hội đền Cổ Loa (mồng 5, 6 tháng Giêng), cháo trai cà muối bán rong khắp làng, người ăn đứng ngồi vòng trong vòng ngoài chờ tới lượt.

Hội hè, đình đám ở Cổ Loa, bún tươi xào cây cần nước là một đặc sản rồi, nhưng thiếu mất nồi cháo trai cà muối ăn cho nóng người, cỗ bàn đâm ra… kém duyên.

Trai ốc ở đâu cũng có. Tôi từng nếm thử vài lần cháo trai của các hàng quán trong phố cổ Hà Nội, cả những gánh cháo rong của một người phụ nữ ngày hai lượt qua con phố hàng Cót lúc về chiều, nhưng món cháo trai ở đất Cổ Loa vẫn có vị ngon đặc biệt. Phải chăng được ăn cháo ở tòa thành cổ nhất Việt Nam, lắng nghe những câu chuyện xưa mang màu huyền bí, bát cháo trước mặt ta ngon lạ lùng hơn là thế?

Trần Nguyễn Như Minh

Ảnh: Như Minh, Ngữ Thiên

Theo IHay

Author:

Gửi phản hồi