Nhiều người cho rằng mứt dừa là loại mứt dễ làm nhất vì không cần đến nước vôi trong hay phèn chua… tuy nhiên, không hẳn như vậy. Nhiều chị em vẫn gặp phải trường hợp chọn cùi dừa quá non hoặc quá già khiến mứt không ngon. Hoặc khi nạo, cùi dừa thường bị đứt mà không thành được sợi như mong muốn. Đặc biệt lúc sên mứt, đường không kết tinh được. Vì thế, chị em hãy tham khảo một vài mẹo dưới đây để có thêm kinh nghiệm làm mứt dừa nhé!
1. Chọn cùi dừa
Để làm được những sợi mứt dừa ngon thì khâu chọn cùi dừa (cơm dừa) vô cùng quan trọng. Đối với dừa để làm mứt, bạn phải chọn dừa bánh tẻ, không nên chọn dừa quá già hoặc quá non. Nếu cùi dừa già sẽ vừa khó nạo mà mứt sẽ khô. Còn dừa non quá rất khó sên mứt, hay bị nát.
Bạn có thể quan sát, loại cùi dừa bánh tẻ sẽ có phần vỏ sát bên ngoài màu nâu nhạt. Dùng tay bấm thử vào thấy hơi mềm. Còn cùi dừa đã già thì vỏ sát cùi có màu nâu sẫm và cứng.
Cùi dừa bánh tẻ làm mứt sẽ ngon và dẻo hơn. Còn nếu làm mứt dừa non thì cũng chỉ nên chọn cùi non và mỏng hơn bánh tẻ một chút thôi bạn nhé.
2. Nạo cùi dừa sợi dài và đẹp
Đây là khâu khiến nhiều chị em nản nhất vì mất thời gian mà nạo sợi dừa hay bị đứt. Tuy nhiên, để có những sợi mứt dừa dài và đẹp mắt, khi sên xong có thể cuộn thành bông hoa thì có thể làm như sau:
Cách 1: Sau khi đã rửa sạch cùi dừa, gọt bỏ phần vỏ nâu nhạt sát bên ngoài cho khỏi chát thì chị em bổ đôi ngang quả dừa. Sau đó, ngửa phần mặt cắt của nửa quả dừa lên trên. Còn phần đáy dưới thì dùng dao sắc cắt bỏ một ít tạo mặt phẳng bên dưới làm nửa quả dừa có thể đứng được.
Sau đó đặt miếng dừa lên thớt dày. Dùng dụng cụ nạo, vừa nạo vừa xoay miếng dừa là được. Bạn cũng có thể kê miếng dừa sát mép thớt để nạo dễ hơn. Tuy nhiên cách này bạn phải dùng lực tay trái để ấn quả dừa xuống thớt nên hơi mỏi.
Để có những sợi mứt dài và đẹp cũng cần biết cách nạo cùi dừa
Cách 2: Cách thứ 2 là bạn cũng bổ đôi quả dừa, sau đó đặt nửa quả dừa trên một cái bát nhỏ, đặt mặt cắt ngửa lên trên. Rồi dùng dụng cụ nạo, vừa nạo vừa xoay miếng dừa là được.
Lưu ý, khi nạo, không quá vội và nạo đều tay thì sợ dừa mới dài và đẹp được.
3. Sên mứt
Sau khi nạo xong, cần nhẹ nhàng rửa cùi dừa với nước sau đó ngâm nước để cho ra bớt dầu dừa để khi ăn đỡ sực mùi dầu dừa và bớt bị đầy bụng.
Để đường có thể kết tinh chuẩn và bám chắc vào mứt thì lượng đường phải phù hợp. Với mỗi kg dừa đã nạo sợi xong thì cần ướp với khoảng 500g – 600g đường và ướp tầm 2 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hoàn toàn sau đó mới đem sên mứt. Không cần ướp đường qua đêm. (Riêng làm mứt dừa non thì 1kg cùi dừa ướp với 400g đường).
Nên dùng chảo to và đáy dày để chất lượng mứt dừa tốt nhất.
Nên dùng chảo to và đáy dày để sên mứt
Làm nóng chảo trước với lửa to, khi cảm thấy chảo đã bắt đầu nóng thì đổ cùi dừa ướp đường vào và đun cho đến khi mứt sôi thì để lửa cỡ trung bình.
Khi nước đường bắt đầu cạn dần, vặn nhỏ lửa, đảo liên tục để tránh mứt dừa không bị cháy. Ngoài ra đảo nhẹ tay để sợi mứt không bị đứt. Thời gian này nếu bếp để lửa to nước đường sẽ quá nóng, nhanh chóng chuyển sang màu caramel và không “lại” đường được, mứt dừa sẽ cháy.
Đảo đều tay, lúc dừa bắt đầu xuất hiện hạt đường trắng xung quanh sợi dừa thì tắt bếp, để nguyên mứt dừa trên chảo, đảo liên tục cho đường mau khô kết tinh lại là được. Không nên đun trên bếp đến khi đường kết tinh hết, bởi làm vậy mứt dừa sẽ bị cứng quá, không dẻo ngon nữa.
Theo Dân Việt