Ngày thơ, mỗi dịp xuân về, bà lại cặm cụi ngồi làm bánh trái cây cho chúng tôi.
Những chiếc bánh trái cây hình trái khế, đào hay ớt đỏ chót…luôn có sức cuốn hút lạ kỳ. Với chúng tôi, bánh trái cây ngày ấy như món hàng xa xỉ chỉ có trong dịp Tết.
Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bà ngồi tỉ mẫn chuẩn bị nguyên liệu. Bánh trái cây tuy nguyên liệu đơn giản nhưng cách làm công phu. Vì thế, ngày thường bà ít khi bà làm, mà lâu lâu mới làm một bữa như phần thưởng cho chúng tôi. Riêng ngày Tết, bánh trái cây rất thông dụng đối với các gia đình người Huế.
Để làm nên những chiếc bánh trái cây xinh xắn, bà phải chuẩn bị rất nhiều nguyên liệu như đậu xanh, bột đông sương (rau câu), phẩm màu, que tre…
Đậu xanh luộc qua, đãi sạch vỏ và nấu chín. Rồi cho một ít đường vào đánh đều. Không nên nấu đậu quá ướt, sẽ khó nặn bánh. Khâu nặn bánh là khó nhất. Bà vốn khéo tay nên mỗi loại trái sau khi nặn xong có hình dáng y như thật. Chúng tôi cũng thi nhau nặn rồi đưa bà nhận xét xem quả ai đẹp hơn. Trái cây nặn xong lần lượt được xếp cẩn thận trên chiếc rổ tre rồi sấy sơ với than.
Sau đó được nhúng qua một lớp đông sương để tạo độ bóng cho bánh. Bánh được cắm vào từng que tre chừng 5-10 phút để đông sương khô rồi quét màu.
Ngày nay, màu thực phẩm có sẵn nên người làm bánh ít tốn công. Nhưng thời trước, mỗi lần làm bánh, bà phải chuẩn bị rất kỳ công với rau củ tự nhiên. Màu xanh từ rau ngót, đỏ từ quả gấc, vàng từ nghệ, tím từ củ dền… tuy không lung linh, sắc sảo như màu thực phẩm nhưng tốt cho sức khỏe.
Rồi cũng đến lúc hoàn tất, chúng tôi ngắm nhìn thành phẩm đủ màu một cách thích thú những không nỡ ăn vì chúng quá đẹp.
Ngày nay, khi thực phẩm đã đủ đầy thì trẻ em ở Huế vẫn rất thích bánh trái cây, vị bùi bùi, ngòn ngọt của đậu xanh thật thơm ngon nhưng hấp dẫn hơn cả là vẻ ngoài chín mọng, no tròn thể hiện sự khéo léo và tinh tế của người Huế.
Tuyết Khoa
(thực hiện)