Bạn thường nghĩ rằng, hoa dùng để trang trí nhà cửa. Nhưng với những loài hoa dưới đây, bạn có thể chế biến và thưởng thức nhiều món ăn ngon đến … ngất ngây.
Hoa chuối trộn gỏi gà
Gỏi gà hoa chuối là món ăn dân dã của nhiều gia đình Việt. Hoa chuối thường được cắt bỏ sau khi đã trổ hết buồng. Tuy nhiên hoa chuối có thể dùng để chế biến nhiều món ăn như nấu canh chua, luộc. Đặc biệt là món hoa chuối trộn gỏi gà vô cùng hấp dẫn. Sự kết hợp hài hòa giữa vị giòn giòn, bùi bùi của hoa chuối và vị ngọt thanh của thịt gà, khi ăn sẽ không ngán, phù hợp cho những người kiêng ăn dầu mỡ.
Hoa điên điển nấu canh chua
Hoa điên điển là loài hoa đặc trưng của miền Tây Nam bộ vào những mùa nước nổi. Loài hoa này đã đi vào âm nhạc với bài hát Bông điên điển, đồng thời đi vào ẩm thực với nhiều món ăn như điên điển xảo tỏi, gỏi điên điển, điên điển xào thịt bò… Trong số đó, món điên điển nấu canh chua là món ăn đặc sản của người miền Tây mỗi dịp lũ về.
Vị đăng đắng, nhẫn nhẫn của điên điển hòa vào vị ngọt của mớ cá tươi, cộng với vị cay nồng của ớt, mùi thơm của rau nêm sẽ làm bạn ngây ngất. Canh chua bông điên điển thường được nấu với cá linh, cá lóc, tôm hay những loại cá đồng, đều ngon hết sảy.
Hoa ban xào măng đắng
Hoa ban là loài hoa mang vẻ đẹp linh hồn của vùng Tây Bắc, thường nở rộ vào tháng 3. Ngoài việc mang đến vẻ đẹp cho núi rừng, hoa ban còn được chế biến thành nhiều món ăn, trong đó có món hoa ban xào măng đắng – một trong những món ăn đặc trưng của người Thái.
Hoa ban sau khi hái về được lặt và rửa sạch rồi đem trụng sơ với nước nóng, đem xào với măng đắng. Vị đắng của măng kết hợp vị ngọt bùi và hương thơm thoang thoảng của hoa ban sẽ cho bạn những trải nghiệm thú vị khi đến với vùng Tây Bắc xinh đẹp. Ngoài xào măng, hoa ban còn được dùng làm món xôi, nấu canh hay làm nộm.
Hoa so đũa nấu canh chua
Khác với hoa điên điển chỉ có vào mùa nước nổi, hoa so đũa có quanh năm do loài cây này đã được trồng để bán hoa như các loại rau thông thường. Hoa so đũa có hai loại, hoa trắng và hoa đỏ. Nhưng món canh chua hoa so đũa ngon nhất khi nấu hoa trắng với cá chạch đồng.
Cá chạch chắc thịt, béo hòa cùng vị thanh ngọt của hoa so đũa làm cho món này trở nên đậm đà, hấp dẫn hơn. Ngoài cá chạch, bạn có thể nấu canh chua hoa so đũa với cá lóc, cá sặt, cá linh, tôm….
Canh hoa bí
Hoa bí từ lâu đã đi vào sáng tác với bài hát nổi tiếng Màu hoa bí, Bông bí vàng… Loài hoa dân dã này ngoài làm nguyên liệu cho âm nhạc, hoa bí còn là nguyên liệu để nấu món canh hoa bí mát lành, bổ dưỡng. Hoa bí thường được nấu chung với thịt heo, thịt bò và tôm.
Hay đơn giản hơn là luộc hoa bí chấm với nước mắm tỏi ớt cũng đủ làm bạn thấy ngon miệng, thèm thuồng. Hoa bí chứa nhiều chất dinh dưỡng như sắt, magie, canxi cùng nhiều vitamin có tác dụng chống lão hóa và kháng ung thư.
Hoa thiên lý xào thịt bò
Hoa thiên lý là loại cây thân leo, thường được trồng làm giàn để tạo bóng râm và thưởng thức mùi hương thoang thoảng khi hoa nở. Hoa thường nở vào mùa hè và thường được dùng để nấu nhiều món ăn khác nhau như thiên lý nấu giò, nấu lẩu hay món thiên lý xào thịt bò hấp dẫn.
Vị ngọt béo của thịt bò kết hợp cùng vị ngọt thanh của hoa thiên lý tạo nên một món ăn ngon về nội dung và bắt mắt về hình thức. Ngoài ra, hoa thiên lý còn được biết đến với công dụng giải nhiệt, giúp ngủ ngon và giúp trẻ ăn mau chóng lớn.
Hoa lục bình ăn với lẩu mắm
Hoa lục bình là loài hoa dân dã miệt sông nước, thường nở rộ vào mỗi buổi sáng sớm và buổi chiều tà. Loài hoa này thường được dùng để ví von với số phận nổi trôi của con người. Nhưng với ẩm thực, hoa lục bình là loại rau “ngon” đặc biệt. Hoa lục bình thường dùng như một loại rau sống khi ăn lẩu, nhất là món lẩu mắm đặc trưng của người miền Tây. Vị đậm đà của nước lẩu, vị béo ngậy của cá thịt sẽ mất ngon nếu không kèm theo loài rau – loài hoa lục bình giòn giòn, thanh thanh khi cho vào miệng.
Ngoài hoa lục bình, người ta còn thưởng thức lẩu mắm với nhiều loài rau khác như hoa súng, hoa bí, kèo nèo, rau nhút,.. để cung cấp thêm nhiều giá trị dinh dưỡng và làm tăng độ màu sắc cho nồi lẩu mắm miền Tây.
Theo Trí thức trẻ