Bánh đúc nóng là món ăn chơi ngon miệng và dân dã, vừa đủ giúp bạn no bụng qua cơn đói mà vẫn thưởng thức thêm được các thứ quà vặt hấp dẫn khác.
Bánh đúc vốn là món ăn dân dã của người Việt từ xa xưa. Hàng bán bánh đúc nóng ở Hà Nội ngày nay không còn nhiều, nhưng hầu hết các quán còn mở đến bây giờ đều đã có tiếng trong nền ẩm thực Hà Thành và luôn tấp nập khách ra vào.
Quán bánh đúc nóng gia truyền bao nhiêu năm vẫn một giá
Tuy nằm sâu trong con hẻm nhỏ đầu phố Lê Ngọc Hân, khách đến phải để xe đầu ngõ rồi đi bộ vào chừng hơn 30m nhưng quán bánh đúc thâm niên 30 năm này vẫn được đông đảo thực khách sành ăn Hà Thành ưa chuộng.
Một bát bánh đúc nóng đủ vị thông thường phải có bánh đúc sánh mềm làm từ bột gạo, nhân bánh làm từ thịt xào mộc nhĩ giòn giòn, chan nước xương hầm ngọt dịu, thêm vài cọng rau thơm đủ loại.
Khác với nhiều nơi, điểm đặc biệt nhất của quán là bát bánh đúc luôn có thêm 3, 4 miếng đậu phụ rán bày lên trên cùng. Đậu chỉ được rán qua trong chảo ngập dầu, vừa đủ phồng vàng là được vớt, khi ăn vẫn giữ được cảm giác mềm mịn bên trong, giòn tan bên ngoài, ngấm nước dùng thơm thơm rất hợp vị.
Bánh đúc nóng cổ truyền vốn chỉ bao gồm bánh, thịt băm mộc nhĩ, hành và nước chan; còn đậu rán là thứ ăn kèm được nhiều người ưa chuộng nhưng không phải quán nào cũng có
Một điểm nữa tạo nên thương hiệu cho quán là thứ nước dùng ngọt dịu vị xương hầm, màu vàng nhẹ nhưng vẫn giữ được độ trong đẹp mắt, và thanh mát vừa phải chứ không nổi đầy váng mỡ. Bánh đúc ở đây cũng đặc, khi dùng thìa xúc lên bột bánh dẻo quánh, kéo thành dây chứ không đứt đoạn, loãng như nhiều nơi khác.
Bánh đúc của quán từ bao năm vẫn nguyên mức giá 15 ngàn/bát dù vật giá leo thang. Giá này rất phải chăng so với các món ăn vặt tương tự của Hà Thành. Đây cũng là điều níu chân các thực khách ưu ái gắn bó với món ăn cổ truyền này.
Quán khá đông nên ở đây cũng không có chuyện đếm bát tính tiền hay hóa đơn lại cho từng bàn. Khách ăn xong ra cửa tự giác đọc cho bà chủ số đồ đã gọi để cộng tiền. Khi được hỏi có sợ khách “ăn bớt” món không, bà chủ cười xòa: “Tôi cứ tính thế đấy, ai ăn bao nhiêu thì bảo. Hơn nữa cũng nhiều khách quen nên chắc chẳng ai làm thế”.
Những khách quen từng đến quán nhiều năm về trước sẽ dễ dàng nhận ra, sau 10 hay 20 năm, không gian quán vẫn không có chút gì thay đổi.
Quầy hàng khá đơn giản được đặt ngay cửa ra vào, khách đến là nhìn thấy ngay nồi bánh đúc, nước dùng luôn đặt trên bếp than nóng âm ỉ
Bánh đúc nóng không thể thiếu món nhân làm từ thịt xào hành, mộc nhĩ giòn giòn, ngậy ngậy
Bí quyết làm nên một bát bánh đúc ngon đúng vị nằm ở cả phần bột bánh dẻo mềm, nhân bánh vừa ăn và nước dùng ngọt dịu
Thẩm mỹ dường như là thứ mà bà chủ ở đây không mấy bận tâm nên mọi vật dụng của quán cũng đơn sơ đến tuềnh toàng, không hề được bày biện, trang hoàng hào nhoáng. Điều quan trọng là thực khách khi đã “nghiện” hương vị đậm đà trong món bánh đúc nóng gia truyền của bà chủ thì chỗ ngồi có chật chội, quán xá có cũ kỹ một chút cũng chẳng hề gì.
Thậm chí, nhiều khách quen còn tỏ ra khá thích thú với không gian cổ kính của quán và cho rằng phải cổ mới đúng chất gia truyền, và có cũ mới hợp với cái thâm niên 30 năm có lẻ.
Khách hỏi vui về “bí kíp” đặc biệt của món bánh đúc nóng ngon nổi tiếng, bà chủ bông đùa: “Muốn biết bí quyết hả, cứ dọn đến đây ở vài năm là làm được bánh như cô liền”
Không có gian quán riêng rộng rãi như nhiều hàng quán khác, bà chủ tận dụng chính căn nhà ở của mình cho khách ngồi ăn chật kín các tầng
Những năm gần đây, theo thị hiếu của khách hàng, bà chủ cũng bán kèm thêm các món như bún ốc, bún cá, miến trộn… cho thực đơn thêm phong phú
Gánh bánh đúc nóng siêu rẻ luôn “cháy hàng” chỉ sau tiếng rưỡi
Không có quán xá khang trang, hàng bánh đúc nóng lâu đời trên phố Minh Khai (Hà Nội) chỉ đơn giản là một gánh hàng rong vỉa hè với vài ba chiếc ghế nhựa gọn ghẽ. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ 4 giờ chiều bà chủ mới bắt đầu gánh hàng ra đầu ngõ và chỉ bán trong thoáng chốc: “Thường thường tôi chỉ bán đến 5 rưỡi đã hết hàng, hôm nào bán chậm cũng chỉ đến 6 giờ thôi” – chủ quán chia sẻ.
Không biển hiệu, không quảng cáo cầu kỳ, hàng bánh đúc nóng ở đây không quá nổi bật, ồn ào nhưng chưa ngày nào vắng khách
Nép sát một bên tường sau cây cột điện lớn, “hàng quán” của bà chủ chỉ chiếm một góc nhỏ ngay đầu một con ngõ trên phố Minh Khai. Quán có thâm niên cũng thuộc hàng lâu đời nhất nhì Hà Nội, cùng thời với quán bánh đúc nóng Lê Ngọc Hân, nhưng hàng quán đơn sơ hơn và mức giá cũng chỉ bằng một nửa.
Bánh đúc ở đây loãng hơn so với quán ở Lê Ngọc Hân, không dẻo quánh, nhưng bù lại sẽ dễ ăn, dễ xúc hơn. Nước chan cũng nhạt màu hơn, không có thêm đậu song lượng bánh khá nhiều và giá được cho là “rẻ nhất Hà Nội”.
Bánh đúc ở đây khá loãng, không quá dẻo, nước dùng trong và có váng mỡ
Vừa múc từng bát bánh nóng hổi cho khách, bà chủ vừa khoe: “Khách mua bao nhiêu tôi cũng bán. Người ăn yếu chỉ một bát 6.000 đồng là đủ, bát đầy hơn cũng chỉ đến 8.000 đồng là no. Sở dĩ khách tới đây đông chủ yếu vì tôi bán rẻ quá, chứ nếu tăng giá chắc sẽ bớt khách ngay. Nhưng quan trọng là phải ngon nữa, chứ rẻ mà không ngon thì chắc cũng chẳng ai hỏi đến. Bây giờ là còn đỡ đông hơn rồi, thời mẹ chồng tôi bán còn đắt khách hơn thế này nhiều”.
Chủ gánh bánh đúc vốn là người làng ở đây, bà được thừa hưởng bí quyết làm bánh và gánh hàng do mẹ chồng để lại.
Khách đến thường ấn tượng bởi phong cách bán hàng rất giống ở những khu chợ thời xưa: đôi quang gánh đã cũ, chiếc nồi gang đựng bánh đặt gọn gàng trong chiếc thúng to, ủ ấm xung quanh bằng những thớ vải vụn lèn chặt. Có khách, bà chủ chỉ mở hé nồi bánh đang nghi ngút khói, múc bánh thật nhanh rồi đậy ngay vào cho ấm.
Nồi nhân và bánh luôn nóng hổi, vừa ăn
Nồi bánh được đựng trong chiếc thúng của đôi quang gánh, gợi nhớ đến những gánh hàng rong trong phiên chợ thời trước
Một bát bánh đúc nóng ở đây giá chỉ từ 6.000 – 8.000 đồng
Ngoài lượng khách đến ăn tại quán, người mua về cũng khá đông