Dưới đây là các loại quả khi mua ngoài chợ các bà các mẹ cần cảnh giác để không mua phải loại tẩm hóa chất trộn lẫn vào loại quả sạch.
Quả táo
Táo Trung Quốc quả thường tròn, vở trơn, bóng bẩy, được bọc trong lưới xốp. Khi bóc lưới xốp ra sẽ xuất hiện nhiều hạt trắng mịn đọng trên bỏ quả, đó là do hóa chất bảo quản vỏ bị bay hơi.
Quả cam
Ở Việt Nam, cam Trung Quốc được chia làm 2 loại là cam vàng và cam xanh. Bề ngoài, cam Trung Quốc có vỏ láng mịn, không tỳ vết, màu sắc tươi lâu và loại nào cũng không có hạt. Cam vàng của Trung Quốc có màu vàng chanh hoặc cam rất đặc trưng. Còn loại cam xanh cũng có màu xanh như cam miền Tây nhưng màu nhạt hơn, rất bóng và vỏ dày.
Bên cạnh đó, khi được bày bán, cam Trung Quốc cũng có phần cuống nhưng màu hơi thâm và rất dễ rụng, cuống không chắc chắn như cam miền Tây. Do có thể ngâm thuốc bảo quản và thuốc phát triển nhanh nên lá cam Trung Quốc thường rất non, màu nhạt. Khi bổ cam, phần cùi có màu hơi nhạt và không có mùi thơm. Đặc biệt, các giống có xuất xứ từ Trung Quốc đều không có hạt, vị ngọt đậm và múi có vị hơi úng.
Quả ổi
Loại ổi này vốn là ổi thường loại to, được cạo vỏ rồi ngâm một loạt dung dịch hóa chất tổng hợp gồm thuốc màu, thuốc tạo hương vị… để tạo ra một màu sắc mới với tên gọi “ổi đào tiên” hoặc “ổi lê”.
Thời gian ngâm ổi vào khoảng 2 giờ đồng hồ. Sau khi được “biến hình”, ổi sẽ được bán với giá gấp đôi hoặc gấp 3 giá ổi thường.
Lúc mới mua loại ổi này có màu xanh “lạ mắt” và có mùi vị ngọt khá đặc biệt. Bổ ra, bên trong quả giống ối thường, chỉ có lớp vỏ bên ngoài khác biệt về màu sắc và mùi vị. Chỉ cần xoa nhẹ là lớp vỏ bị trớt ra và có mùi lạ.
Sau một ngày, những quả ổi nhanh chóng rỉ nước và bốc mùi hóa chất, gây buồn nôn. Nếu ngâm ổi vào nước một thời gian, nước chuyển sang màu xanh nhạt và có mùi khó chịu. Lúc này, chỉ cần chạm nhẹ vào quả là lớp vỏ hóa chất bở và toét ra đồng thời bốc mùi khó chịu.
Quả lê
Lê là loại trái cây nhanh hỏng và thường bị ngâm tẩm hóa chất nhiều nhất. Lê khi bị ngâm hóa chất để được rất lâu, có khi vài tháng không hỏng.
Khi ăn lê, nếu thấy có mùi lạ và hương vị không còn tự nhiên, nên bỏ đi vì đó chính là lê bị ngâm hóa chất. Đặc biệt nếu quả lê bên ngoài tươi ngon mà trong bị thối hỏng thì chắc chắn đã bị ngâm rất nhiều hóa chất bảo quản.
Quả mít
Một thương lái cho biết, để có lãi thì phải dùng hóa chất để mít chín nhanh hơn, múi đẹp, ngon. Mít chín nhanh thì tiết kiệm được thời gian và công sức. Hóa chất càng nặng đô thì thời gian thúc mít chín càng rút ngắn. Sau khi tiêm thuốc, chưa đầy 12 giờ sau là mít chín.
Loại thuốc mà nông dân thường dùng là “Hoa quả thúc chín tố”. Mỗi gói thuốc có 20 ống, kích thước bằng ngón tay út, dài khoảng 2cm. Chỉ cần pha 6 lọ hóa chất với 500 ml nước, dùng que sắt dùi lỗ trên các quả mít rồi đổ hỗn hợp thuốc vào. Với cách ép trái chín này, mỗi ngày người dân xuất xưởng 1 tạ múi mít.
Hồng xiêm
Để quả hồng xiêm bắt mắt hơn, người bán thường ngâm quả qua một loại dung dịch được cho là bột sắt hòa với nước.
Những trái hồng xiêm bị ngâm bột sắt có màu vàng thẫm còn hồng xiêm sạch có màu xanh tự nhiên.
Đu đủ
Chỉ cần vài giọt dung dịch từ lọ thuốc bé bằng ngón tay út vào cuống, đu đủ xanh vừa ngắt trên cây sẽ chín vàng ruộm, đẹp mã sau ít giờ đồng hồ. Đây chính là bí kíp mà một số người dân tại vựa đu đủ ở xã Tiền Phong, Ân Thi, Hưng Yên thường xuyên sử dụng để kích thích đu đủ chín nhanh.
Quả xoài
Xoài cũng là loại quả khó giữ được chất lượng trong quá trình thu hái và vận chuyển, vì thế người ta thường thu hoạch xoài xanh, sau đó dùng hóa chất kích chín để xoài trông ngon hơn mà không bị giập nát.
Khi mua xoài, bà nội trợ nên tránh những quả xoài ngoài vỏ còn xanh hoặc có màu xanh vàng nhạt nhưng bên trong chín vàng vì những quả này dễ có nguy cơ bị dùng hóa chất. Khi ăn, những quả xoài này thường có vị nhạt nhẽo do bị ép chín chứ không phải chín tự nhiên.
Quả chuối
Chuối cũng được thương lái thu mua cả vườn, chặt hàng loạt chở về đem nhúng vào xô nước có hóa chất hoặc dùng thuốc pha loãng phun trực tiếp lên từng buồng chuối rồi phủ bạt. Chỉ sau 12 giờ, từng trái chuối dù vẫn còn cứng nhưng đã chuyển sang màu vàng rất đẹp, trong khi cuống vẫn còn tươi mới…
Theo tìm hiểu của phóng viên, thương lái thường sử dụng tuýp hóa chất to cỡ ngón tay giá chỉ vài nghìn đồng, đem hòa với 2 lít nước rồi phun đều lên chuối sẽ chín vàng sau một đêm, trong khi để chuối chín tự nhiên phải mất gần một tuần mà mã không thể đẹp như chuối tắm hóa chất được.
Quả chuối chín ép bằng hóa chất thì cuống vẫn có màu xanh, thân cứng nhưng ngoài vỏ đã nhuộm vàng. Khi bóc vỏ ra ăn, thịt chuối vẫn sượng như ăn cơm sống.
Dưa hấu
Người trồng dưa hấu thường phun rất nhiều thuốc trừ sâu, nếu những quả chưa đến ngày đã được hái thường ruột bên trong màu trắng nhờ, có mùi, ở giữa thường ủng và lớp sọc xanh bên ngoài không đều, mờ.
Theo chuyên gia Viện Bảo vệ Thực vật, thực tế nhiều loại hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc chuyển về Việt Nam có sử dụng hóa chất để bảo quản. Biết là có hóa chất, nhưng hiện nay chưa có đủ chất chuẩn để thử, xác định đó là hóa chất gì. Thuốc bảo quản của Trung Quốc có cả chục loại, mà toàn không nhãn mác, không biết rõ có chất gì ở trong.
Do đó, người tiêu dùng cần nhận biết hoa quả mà có hóa chất thì thường có mùi hắc, khó chịu do khi phun thuốc xong, người ta chưa để thời gian cách ly đủ mà đã đem ra thị trường. Cách kiểm tra hoa quả có an toàn không khá đơn giản nhưng lại… rườm rà. Đó là khi mua hoa quả, để vào túi nilon và túm lại trong chốc lát, rồi mở ra ngửi. Nếu có hóa chất tồn dư thì sẽ có mùi hơi hắc.
Còn theo một chuyên gia Viện Nghiên cứu Rau quả, hoa quả mua về nên rửa kỹ, không nên ăn ngay mà nên để một thời gian để hóa chất nếu có sẽ bị phân hủy. Hoa quả giấm bằng đất đèn để một thời gian vài ngày thì nó cũng tự bay hơi, không còn gây hại. Khi mua hoa quả, đừng tham quả to mọng.
Tùng Anh (th)/Báo Gia đình & Xã hội