Quán mì cay muối ớt 40 năm trong hẻm nhỏ Sài Gòn

Thoạt đầu, nhiều người thắc mắc lý do món ăn này lại được chú ý khi chỉ đơn giản là mì khô trộn với muối ớt. Điểm độc đáo của món ăn chính là sự hòa quyện vị ngọt của bò băm, giòn giòn của bò miếng cộng với miếng tôm xay nhuyễn, trứng gà… làm nên vị ngon không lẫn vào đâu được.

Chủ nhân của quán mì hơn 40 năm này là cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, 53 tuổi. Quán là “gia tài” của mẹ cô để lại, hiện nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Kế Xương (quận Phú Nhuận). Trải qua bao thăng trầm, quán tuy có di dời nhiều vị trí trong con hẻm nhưng hương vị thì vẫn vẹn nguyên.

Quán mì cay muối ớt 40 năm trong hẻm nhỏ Sài Gòn

Một suất ăn đầy đủ của món mì cay muối ớt độc đáo. Ảnh: Phong Vinh

Món ăn có gốc ở Bình Định. Thành phần chính là mì gói nhưng nhiều vị khách muốn đổi khẩu vị cũng có thể gọi bún sợi tươi. Món ăn sẽ không thành công nếu thiếu đi tô súp với đầy ắp những miếng thịt bò, tôm, trứng, chả tôm,… quyện vào nhau tạo nên vị khác lạ.

Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng món ăn sẽ không ngon nếu người chế biến không khéo léo nêm nếm hay tẩm ướp gia vị cho các nguyên liệu. Nồi nước dùng lúc nào cũng được bắc trên bếp than, đậy kín nắp để giữ độ nóng và mùi vị.

Ngoài ra, đặc điểm dễ dàng để nhận diện của món ăn là thành phần gia vị trong tô súp và mì có nhiều hành lá. Nếu bạn không quen dùng hành thì có thể nói với chủ hàng lúc gọi món. Cô Huyền cũng thường xuyên hỏi những vị khách lạ để làm vừa khẩu vị. Tất nhiên, một loại gia vị không thể thiếu tạo nên đặc trưng của món ăn này đó là muối ớt.

Quán mì cay muối ớt 40 năm trong hẻm nhỏ Sài Gòn

Cô Huyền cần mẫn sáng tối suốt 40 năm qua để lưu giữ hương vị này. Ảnh: Phong Vinh

“Có lúc trời mưa quán không đông khách, cô bán trễ hơn, còn thường khi nào hết thì nghỉ”, cô Huyền vui cười chia sẻ.

Miếng bò giòn giòn cộng với chả tôm dai dai ăn cùng sợi mì cay xè nhưng bạn vẫn cảm nhận được vị ngọt của nước dùng có thịt bò băm. Những buổi trưa nóng, nhiều người vẫn tìm đến quán để ăn mì như tìm lại chút gì đó ký ức ở thành phố đã gắn liền với nó.

Quán mở cửa từ 10h sáng đến tầm 5h chiều là hết hàng, có khi sớm hơn. Khách đến quán chủ yếu là khách quen, những người từng thưởng thức và không quên được hương vị. “Tôi ăn món này cách đây 5 năm trước, khi quán còn ở ngoài kia. Nay quán đã rời đến chỗ mới nhưng tôi và bạn bè vẫn thường xuyên tìm đến vì không quên được hương vị”, một vị khách quen tên Lý chia sẻ.

Quán mì cay muối ớt 40 năm trong hẻm nhỏ Sài Gòn

Nếu không thích ăn mì nước, bạn cũng có thể gọi một tô mì khô để đổi vị. Ảnh:Phong Vinh

Giá cho một phần trung bình 40.000 đồng. Ăn xong bạn có thể gọi thêm một ly nước rau má, nước mía hay các loại nước ngọt để giải khát hoặc xua đi vị cay vẫn còn chưa dứt của món ăn.

Một thực khách kể khi đến quán lần đầu, cô Huyền cười và hỏi “ăn đầy đủ nhé”. Nhưng đến lần thứ 3 thì anh chỉ cần vào quán, tìm chỗ ngồi là có ngay một phần ăn như ý.

Theo VnExpress

Author:

Gửi phản hồi