Kinh nghiệm chọn mua khuôn bánh Trung Thu

Trân trọng cảm ơn blogger Ngôi nhà nhỏ đã chia sẻ với bạn đọc Đẹp Online bài viết này.

Ngày càng có nhiều chị em phụ nữ thích tự mày mò làm bánh trung thu cho gia đình và người thân thưởng thức vào dịp tết này. Với nhiều người, việc làm bánh trung thu thành thú vui “truyền thống”, tâm trạng rộn rịp chuẩn bị đủ thứ nguyên liệu và dụng cụ từ trước đó hàng tháng, cảm giác có khi còn vui hơn cả làm bánh chưng Tết ấy chứ. Có lẽ bởi các nguyên liệu làm bánh Trung Thu đủ thứ lỉnh kỉnh, mỗi năm các chị em lại muốn thử làm thêm các kiểu bánh mới, hình thức mới, hương vị mới, nên chuẩn bị sớm và kĩ lắm.

Nhiều chị em đã trở nên rất chuyên nghiệp và việc làm bánh Trung Thu thực sự dễ dàng, không khó như nhiều người nghĩ. Với nhiều các bạn trẻ mới tập làm bánh, lĩnh vực bánh trung thu xem ra còn rất mới mẻ và khó khăn, nhưng không vì thế làm giảm đi sự nhiệt tình muốn thử sức của các bạn. Mình thường xuyên nhận được những câu hỏi nhờ tư vấn về cách lựa chọn mua khuôn bánh trung thu thế nào, làm bánh như thế nào, nguyên liệu gì..vv… Vì thế mình sẽ chia sẻ về kinh nghiệm lựa chọn khuôn bánh Trung Thu của cá nhân mình.

1. Khuôn gỗ

Là khuôn truyền thống và “cổ xưa” nhất, với ai có tính cách chuộng truyền thống, ưa cổ điển, thì vẫn sẽ lựa chọn khuôn gỗ, có lẽ là bởi yêu thích cái cảm giác cầm khuôn gỗ nằng nặng tay, gõ bánh xuống bạn đánh “cộp” một cái để cái bánh rơi ra. Nhưng theo thời gian và sự phát triển của các công cụ mới, khuôn gỗ đã bộc lộ những hạn chế so với khuôn nhựa:

– Giá thành cao hơn khuôn nhựa khá nhiều. 1 khuôn gỗ chỉ có một kiểu hoa văn, nếu muốn có nhiều mặt hoa thì phải mua nhiều khuôn nên tốn khá nhiều tiền.

– Bảo quản khó hơn, khó làm vệ sinh. Rửa khuôn gỗ rất khó và tốn nhiều thời gian để làm sạch các kẽ hoa văn. Nếu rửa không sạch sẽ dễ lên mốc. Với điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều như  ở VN thì hầu hết khuôn sẽ rất dễ bị mốc.

– Khuôn gỗ thường nặng và cồng kềnh, to hơn khuôn nhựa, nên sẽ chiếm nhiều diện thích của tủ cất đồ, mỗi khi cần đem đi cũng bất tiện hơn.

– Mỗi lần dùng khuôn gỗ lại phải đem ngâm dầu vài ngày cho khuôn ngấm dầu, nhất là với khuôn mới mua, khi làm mới róc bánh, mà vẫn cần phải dùng nhiều bột áo. Việc dùng nhiều bột áo chống dính làm cho bánh ra hoa văn không sắc nét. Các khuôn gỗ khắc không khéo các hoa văn cũng không đều  nhau và bánh ra không sắc nét.

Kinh nghiệm chọn mua khuôn bánh Trung Thu

Cách đây 5, 6 năm, khi mình lần đầu làm bánh trung thu, và khi khuôn nhựa còn chưa phổ biến, thì mình mua khuôn gỗ, nhưng những năm sau  này mình đã không dùng khuôn gỗ nữa.

2. Khuôn nhựa

– Khuôn nhựa có tay cầm và hệt như khuôn gỗ, chỉ khác chất liệu là nhựa. Ưu điểm là giá thành rẻ hơn nhiều lần, nhẹ hơn,  nhưng gõ bánh không “sướng tay” bằng khuôn gỗ.

– Khuôn nhựa giá rẻ thường có hoa văn không sắc nét, và ít hoa văn hiện đại.

Kinh nghiệm chọn mua khuôn bánh Trung Thu

3. Khuôn lò xo

– Những năm gần đây, khuôn bánh Trung Thu lò xo ngày càng được ưa chuộng bởi chúng có nhiều tính chất trội hơn hẳn khuôn gỗ và khuôn nhựa.

– Giá thành rẻ hơn hoặc ngang khuôn gỗ (chỉ tầm trên dưới 100.000VND/khuôn), chất liệu nhựa cứng, lò xo chắc chắn nên khuôn cầm trên tay vẫn cho cảm giác  rất “thích tay”.

Kinh nghiệm chọn mua khuôn bánh Trung Thu

– Vệ sinh khuôn rất dễ dàng, sạch sẽ, không bao giờ lo ẩm mốc. Khuôn nhẹ và gọn gàng, rất dễ bảo quản.

– Có lẽ thích nhất là khuôn lò xo thường có rất nhiều mặt hoa văn cho 1 khuôn, nên các chị em tha hồ thay đổi hình thức bên ngoài của bánh.

Kinh nghiệm chọn mua khuôn bánh Trung Thu

– Dùng khuôn lò xo, khi lấy bánh ra rất nhẹ nhàng và dễ dàng, hầu như không lo bánh bị dính.

– Khuôn lò xo có nhiều họa tiết hoa văn rất trẻ trung, hiện đại, dễ thương, lãng mạn cũng có mà phù hợp với trẻ con cũng có, nên rất nhiều người thích. Mỗi năm khuôn lò xo lại cập nhật thêm những mẫu hoa văn mới.

– Khuôn được khắc công nghiệp bằng máy nên hoa văn ra rất sắc nét.

Kinh nghiệm chọn mua khuôn bánh Trung Thu

4. Khuôn silicon

Loại khuôn chất liệu silicon, hoặc khuôn nhựa trong, mỏng được dùng để làm bánh trung thu thạch, hay còn gọi là bánh trung thu rau câu. Mấy năm gần đây, nhiều người làm thạch rau câu với hình thức bên ngoài, và cả bên trong, giống hệt chiếc bánh trung thu truyền thống. Những chiếc bánh cũng khá thú vị, làm cho không khí tết trung thu thêm đa dạng. Những khuôn này không dùng để làm bánh nướng bánh dẻo truyền thống được, chỉ làm bánh trung thu rau câu thôi.

Kinh nghiệm chọn mua khuôn bánh Trung Thu

Khuôn bánh trung thu được định cỡ bằng định lượng của chiếc bánh. Hiện nay trên thị trường có các khuôn cỡ: 50g, 75g, 100g, 125g, 150g và 200g.

Trước đây, bánh trung thu thường phổ biến với khối lượng 150g và 200g, bánh to và nặng như trong kí ức của nhiều người thế hệ mình. Những năm gần đây, xu hướng làm bánh trung thu nhỏ hơn trở nên phổ biến, có lẽ vì bánh trung thu vốn khá ngọt nên mọi người cũng không ăn nhiều. Những chiếc bánh cỡ nhỏ dưới 100g trông rất xinh xắn, nhìn rất yêu. Mẹ nào làm bánh với hình kitty, doraemon thì làm bánh nhỏ xíu 50g và các con rất thích.

Kinh nghiệm chọn mua khuôn bánh Trung Thu

Vì vậy, tuỳ theo mục đích làm bánh: để tặng người lớn tuổi, tặng người yêu, tặng bạn bè, hay tặng trẻ con… mà bạn có thể lựa chọn mẫu hoa văn và cỡ khuôn phù hợp.

Hẹn các bạn ở bài viết về các nguyên liệu làm bánh trung thu nhé. Đây cũng là bài viết để tổng hợp giải đáp thắc mắc của nhiều bạn mới bắt đầu tập làm bánh trung thu.

Theo Ngôi nhà nhỏ

Author:

Gửi phản hồi