Khác với nộm su hào cổ truyền, món nộm làm lần này chủ yếu là theo những gì có trong tủ lạnh và theo một cách ngẫu hứng. Đĩa nộm bày ra không có lạc rang, cũng chẳng có rau kinh giới đi kèm 🙂
Món làm nhanh, chén cũng mau hết. Như mọi khi, mình vẫn lải nhải cái công thức: bí mật nằm ở dấm. Thêm nữa là phải kiên nhẫn. Mình cứ hì hụi thái, thái và thái, từ su hào qua cà rốt tới giò tai và mùi tàu. Túm lại, cần phải kiên nhẫn, hay vui tính thì gọi là thiền nấu 🙂
Nguyên liệu:
– Su hào 1 củ
– Cà rốt 1 củ
– Giò tai mấy lát thái mỏng
– Tỏi 1 củ
– Ớt bột
– Muối hạt (mình dùng muối Bạc Liêu, không biết có phải là do tưởng tượng không, nhưng cảm giác ăn ngon hơn muối đóng gói công nghiệp)
– Dấm balsamic (Maille) và dấm nho trắng (Ortalli)
– Rau ăn kèm: mùi tàu, mùi ta và rau thơm.
Thực hiện:
– Su hào và cà rốt thái sợi, xóc với muối hạt (lượng đủ tạo độ mặn) để chừng 10 phút.
– Tiếp đó cho dấm balsamic và dấm nho trắng theo tỷ lệ 1/2 (dấm balsamic để lấy vị thơm đậm đà, còn dấm nho trắng lấy vị chua chủ đạo), ớt bột và tỏi đập dập cùng lá mùi tàu thái sợi chỉ mịn vào. Trộn đều tay và để chừng 5-7 phút cho ngấm.
– Dùng bao tay làm thức ăn vắt kiệt nước tiết ra từ su hào và cà rốt và để ra cái thố hay cái đĩa sâu lòng miệng rộng.
Đã thái sợi, chờ trộn với muối hạt
– Dỡ tơi hỗn hợp vừa được vắt nước. Sau đó trộn tiếp với giò tai thái sợi mịn và rau mùi ta cùng rau thơm xắt khúc dài chừng 1-2cm.
– Bày món ra đĩa. Sợi nộm tơi, giòn cộng với độ sần sật của sợi giò tai. Khêu đũa ăn chơi đầu bữa không cũng thích, còn nếu cầu kỳ hơn thì rán thêm vài cái phồng tôm, đặt một khêu nộm lên trên bề mặt miếng bánh và cắn rộp một cái thật là vui vẻ 🙂
* Bình thường nếu nghe nói đến chuyện vắt kiệt nước su hào cà rốt, chúng ta có thể sợ rằng món làm ra sẽ bị nát tươm. Kỳ thực khi đã vắt hết nước rồi và dỡ tơi ra thì sợi su hào và cà rốt đảm bảo vẫn rất giòn.
** Dấm balsamic màu sậm làm cho món trộn lúc ban đầu coi không đẹp lắm, nhưng khi đã vắt kiệt nước thì các sợi su hào quay trở lại sắc trắng xanh ban đầu.