Mình có nhỏ bạn là giáo viên tiểu học, quê vùng cao Ba Vì – Ba Tơ – Quảng Ngãi. Hôm rồi cô ấy email cho mình. Trong một mớ chuyện không đầu không cuối có một lời như là trách cứ: “Năm ngoái anh lên quê em nhằm mùa rau dớn. Giờ mùa rau dớn lại về”. Viết câu đó có lẽ em đã ngầm nhắc mình rằng “anh còn nợ em một lần trở lại”. Riêng hai từ “rau dớn” thì không “ngầm” chút nào. Nó đã… công khai lay động “mảnh tình ăn uống” của mình.
Mình viết: “Vài dòng hồi đáp cùng em / Đừng nhắc rau dớn anh thèm tội anh”. Ba ngày sau, mình nhận được bó rau dớn xanh non và đầy đặn từ cô bạn Ba Tơ gởi xuống. Giờ thì mình tin… thơ có chức năng bồi dưỡng tâm hồn, kể cả thơ… dở như mấy câu trên. Là bởi, thơ có khả năng dẫn đến… rau dớn, từ rau dớn dẫn đến cảm xúc ẩm thực. Mà cảm xúc là chuyện của trái tim, của tâm hồn. Đúng không ạ?
Nhìn bó rau dớn, mình nhớ ngay đã là đầu mùa mưa. Những vạt rừng ẩm ướt, những bờ suối vắng, những khúc sông đục ngầu phù sa, những hẻm núi lô xô đá tai mèo… chính là quê hương của rau dớn. Điều kiện sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên như thế nên rau dớn là loại rau sạch đến từng nách lá. Nếu có cuộc thi “hoa hậu rau rừng”, tôi tin rau dớn của tôi sẽ đoạt vương miện. Bèo lắm thì cũng đoạt danh hiệu dài lê thê: “Hoa hậu rau rừng sạch nhất và đẹp hoang dã nhất”. Có lần trao đổi ý nghĩ dí dỏm này với một cựu binh Trường Sơn, ông ta gật đầu ngay và nói thêm: Rau dớn hay lắm, nghĩa tình lắm. Tuy là rau dại nhưng nó… khôn lắm nghen, đã từng cứu đói cho nhiều đơn vị bộ đội trong những mùa mưa dầm dề và dai dẳng. Hồi đó chẳng có dầu mỡ gì, chỉ cần luộc, chấm với “muối – mì chính” đã thấy ngon miệng lắm rồi. Hôm nào bắt được cá suối, nồi canh rau dớn giữa rừng già làm cho lính “mê” luôn.
Giờ thì dớn rừng hoang dã đã được người miền xuôi “biến tấu” thành nhiều món ngon như xào với thịt bò, nấu canh với thịt heo nạc… Dớn cũng đã lột xác, đàng hoàng bước chân vô nhà hàng, leo lên bàn tiệc phủ khăn trắng với món gỏi tôm vừa ngon vừa lạ.
Nhớ có lần nhỏ bạn đùa, nói ăn rau dớn anh sẽ không thấy ớn vì nó rất… cà chớn. “Cà chớn” ở chỗ dớn chỉ thích lên đĩa trong một buổi ngắn ngủi thôi, nói cách khác là hái đâu ăn đó thì dớn mới dâng hết độ xanh để mà ngon. Còn như thấy dớn mượt quá mà hái cả bao to với ý muốn để dành hôm sau thì dớn héo queo. Thứ nữa, cũng theo cô bạn, dớn trồng ở dưới xuôi thì ăn cũng tàm tạm thôi. Buộc nó phải ngon như dớn rừng thì… nằm mơ cũng không thấy.
Riêng mình vẫn thích món rau dớn “lần đầu kỷ niệm”. Là thế này: Mình lên Ba Tơ thăm nhỏ bạn với một ký tỏi Lý Sơn. Nhỏ bạn xuýt xoa bảo tỏi hải đảo đi với dớn núi rừng là quá đẹp đôi. Trưa đó, món dớn xào tỏi xuất hiện trên mâm cơm cùng với vài loại cá đồng, cá suối. Lần đầu ăn mình thấy ngài ngại vì rau hơi nhơn nhớt. Nhỏ bạn nói nhớt nhưng hễ bập vào là “dính” lắm đó nghe ông anh. Mà dính thiệt! Dính ở màu xanh tươi của rau sau khi xào, ở cái vị ngòn ngọt, chua chua, chan chát, ở cái điệu giòn sần sật của cọng rau, ở cái mùi thơm thơm, nồng nồng của tỏi, ở cái chất thanh khiết, hoang hoang dại dại của núi rừng.
Và chiều nay, đĩa rau dớn xào tỏi trên mâm cơm miền xuôi đã làm mình nhớ Ba Tơ với những vạt rừng ẩm ướt mướt xanh màu rau dớn.
Trần Cao Duyên