(iHay) Một số nơi ở Bình Định, nghe nói “dìa bay ơi” là chia tay, bởi phương ngữ “dìa” có nghĩa là “về”. Còn ở Quảng Ngãi, cũng ba tiếng ấy nhưng được hiểu là “có cá dìa tụi bay ơi”. Như vậy, “dìa” Bình Định là gút-bai còn “dìa” Quảng Ngãi không chia tay mà là tụ họp, tụ họp để… lai rai.
Cá dìa nướng
Làng bản đầu tiên của cá dìa là vùng cửa sông nước lợ, tiếp giáp với biển. Lớn lên, chúng bơi ra biển, lập “thủ phủ” ở các bãi san hô, rặng đá ngầm, nơi có nguồn thức ăn phong phú là các loài rong biển. Do đặc điểm này nên cá dìa còn được gọi là “tảo ngư” (cá ăn rong). Đầu mùa thu, cá dìa trưởng thành, to bằng bàn tay người lớn xòe ra. Cá dìa mình dẹp, da trơn, có nhiều vân với những “kiểu dáng” rất đẹp. Nhìn con cá dìa vừa mới đánh bắt, giãy đành đạch thật thích mắt. Nhưng chỉ nhìn thôi nhé! Không “chuyên môn” mà rớ vào, vây cá cứng và sắc nhọn nó đâm một phát thì nhức tới… ba ngày ba đêm không thêm không bớt một phút nào.
Cá dìa chỉ ngon nổi tiếng với hai món: Nấu canh chua với lá giang và món nướng. Với món canh chua, người “thực sự cầu… thực” bao giờ cũng đòi cho được lá giang vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ở hai tỉnh miền Trung nắng lửa mưa dầu này, lá giang cho vị chua nhẹ nhàng thanh thoát mà “ngưng đọng” lắm. Cá dìa thì phải được chặt vây một cách hết sức cẩn thận (lý do đã nói ở trên), bỏ mang, nạo thật sạch vùng bụng, cắt làm đôi. Nước sôi, thả cá vào, nêm muối ớt, bột ngọt. Thả lá giang sau cùng, chờ nước sôi lại rồi tắt bếp. Chất ngọt của cá dìa “cài” vào trong nước canh vừa chua thanh vừa mặn ngọt khiến nồi cơm bị… bóc lột tới hột cuối cùng. Thịt cá dìa chấm mắm ớt tỏi bảo đảm nhai không biết mỏi.
Cá dìa chỉ ngon nổi tiếng với hai món: nấu canh chua hoặc nướng
Còn món nướng thì có hai “chi phái”: Nướng muối ớt và nướng mọi. Nướng muối ớt thì làm sạch cá, xẻ xiên chéo hai bên lườn cá vài đường rồi ướp muối ớt vào đấy. Bọc cá trong lá chuối trước khi đưa lên vỉ, chất ngọt của cá sẽ được bảo toàn. Cá chín, mới bóc lớp lá chuối đã nghe nước miếng tuôn như… suối.
Nhưng mình “chết lịm” với món nướng mọi. Gói muối ớt mang theo cùng “cái chai” nho nhỏ, nhóm bạn kéo ra gành. Thằng nào “sách vở thư sinh” thì đi kiếm cành khô chất thành đống rồi ngồi chờ mấy đứa ngư dân lặn như rái cá. Chúng nó tài lắm. Một cây đọc nhọn, một kính lặn, nó “ùm” xuống nước, lẻn nhanh vào đám san hô, đâm xuyên ngang con cá dìa và trồi lên trước khi lá phổi báo… gần hết ô xy.
Thả nguyên từng con cá dìa còn quẫy vào bếp lửa giữa trời. Chỉ vài phút thôi đã nghe mùi thơm rất “mộc”, rất nồng, rất ngọt bay lên ngào ngạt. Xếp cá ra tấm giấy báo trải trên phiến đá phẳng lì. Ngón tay làm… đũa, bóc một mảng thịt cá dìa nóng hổi rồi chấm chút muối ớt. Ôi, thơm ngon không thể nào tả nổi. Chút cay của rượu nơi đầu gành thoáng đãng nghe chừng cay thêm, nồng thêm. Nhậu giản đơn, “bụi bặm” vậy mà vẫn có cái để nhớ về. Bởi vậy nên một thằng vừa nhập trường đại học ở Sài Gòn chỉ mấy bữa đã a lô: Tao nhớ cá dìa và… gành đá quá tụi bay ơi.
Trần Cao Duyên