Cho dù chỉ là một quán nhỏ ven đường hay một nhà hàng sang trọng, người Nhật đều có những tiêu chuẩn nhất định trong việc chọn lựa gạo và nấu cơm.
Những người đã có dịp đi du lịch Nhật Bản hay thưởng thức cơm Nhật tại các nhà hàng Nhật Bản tại Việt Nam chắc chắn đều có chung một câu hỏi: Tại sao cơm Nhật lại ngon như thế.
Cho dù chỉ là một quán nhỏ ven đường hay một nhà hàng sang trọng, người Nhật đều có những tiêu chuẩn nhất định trong việc chọn lựa gạo và nấu cơm. Chắc chắn, việc giống gạo của Nhật khác giống gạo Việt Nam cũng khiến cho cơm khi thổi lên không thể giống nhau. Tuy nhiên nếu biết được những mẹo nhỏ này, bạn cũng hoàn toàn có thế “nấu gạo Việt ngon như gạo Nhật”.
1. Đong gạo
Người Nhật đong gạo rất cẩn thận. Mỗi gia đình đều có một chiếc cốc riêng dùng để đong gạo. Khi lấy gạo, người Nhật sẽ dùng cốc múc lượng gạo rồi lấy đũa gạt ngang. Một cốc gạo như vậy sẽ thổi được hai chén cơm.
2. Vo gạo
Hầu hết người Việt đều có quan niệm không nên vo gạo quá kỹ, chỉ cần vo 1-2 lần nước để tránh làm mất chất dinh dưỡng của gạo. Tuy nhiên, người Nhật lại không nghĩ vậy.
Trong thực tế, khi gạo được cọ xát để loại bỏ lớp vỏ trấu và cám gạo, lớp chất béo và protein ở bên ngoài hạt gạo sẽ tiếp xúc trực tiếp với không khí, để lâu qua thời gian dễ chuyển mùi chua, hỏng gạo. Việc vo gạo do đó phải được vo kỹ lưỡng, hương vị gạo khi thổi lên sẽ ngon hơn.
Người Nhật không đếm số lần vo mà chú ý vo gạo đến khi nào nước gạo không còn quá đục, hạt gạo sạch là được.
3. Đong nước, ngâm gạo
Với gạo Nhật, lượng nước cần đong theo tỷ lệ 1:1 nếu gạo được đóng gói trong vòng 3 tháng và tỷ lệ 1:1,1 nếu gạo đã cũ, được đóng gói hơn 3 tháng. Người Nhật cũng không ngâm gạo bởi khi gạo cho vào nồi cơm điện nấu với chế độ “Nấu nhanh” – Quick Cooking, gạo cũng đã được ủ và hấp thụ đủ độ ẩm trong khoảng thời gian nồi làm ấm.
4. Nấu cơm với đá lạnh và dầu ăn
Sau khi đổ nước vào nồi, bạn bỏ thêm 2 đến 3 viên đá vào, để khoảng 15 phút rồi mới bắt đầu cắm điện, bấm nút nấu. Đó là một trong những cách mà người Nhật áp dụng để nấu cơm thơm và dẻo.
Giải thích một cách khoa học, đá sẽ trì hoãn thời gian hấp thu nước của gạo, sẽ làm tăng độ dẻo của gạo hơn. Thứ hai, bỏ đá vào gạo sẽ làm tăng lượng axit amin, ngăn chặn enzyme phân hủy độ ngọt trong hạt gạo, mang đến hương vị tuyệt vời hơn rất nhiều.
Nhỏ vài giọt dầu mè, bơ hoặc dầu oliu vào nước rồi mới bấm nút nấu cũng sẽ giúp hạt cơm mềm, dẻo, bóng bẩy rất đẹp mắt.
5. Xới cơm
Sau khi cơm chín, bạn khoan vội nhấc nồi ra ngay mà nên dùng đũa xới đều cho tơi cơm, để hơi nước thoát ra khoảng 1 phút rồi lại đậy nắp lại, để thêm 10 phút nữa mới lấy ra.