Ở đâu không biết chớ ở Quảng Ngãi, đầu mùa mưa là đầu mùa rau nghệ, loại rau đẹp như hoa, có mùi nghệ tươi, ăn một lần là nhớ mãi. Mùa mưa thì dai dẳng nhưng mùa rau nghệ thì ngắn thôi, chỉ độ một tháng hay tháng rưỡi là cùng. Lý do: Rau nghệ không ưa những ngày mưa lê thê.
Sáng chủ nhật, mình thức dậy rồi nhưng còn nằm ráng để “tai nương nước giọt mái nhà”. Đang chuẩn bị “nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn” thì tiếng con gái lao xao ngoài ngõ: “Rau nghệ, rau nghệ má ơi”. Vậy là vui chớ đâu có buồn.
Mình bật dậy. Gì chớ rau nghệ thì mình là… fan cuồng. Con gái cũng vậy. Năm ngoái, dạo này, nó nói một câu thật đáng yêu: “Má ơi, con thích ăn rau đẹp”. Dĩ nhiên, sau câu đó là cái dáng nhỏ thó của má nó, tức vợ mình, xách cái giỏ le te đi chợ.
Rau nghệ “sở hữu” hai phẩm chất: Ngon và đẹp. Có lẽ vì giống người đẹp nên rau đẹp cũng… khó tính. Mưa dầm dề: Không mọc. Mưa rả rích: cũng không mọc. Mưa rầm rầm rộ rộ: Lại càng không mọc. Ả chỉ đợi những cơn mưa đầu mùa vào lúc rạng sáng, nhè nhẹ thôi, đủ tắm táp cây cối cho sạch bụi rồi hửng nắng lên là rủ nhau khoe sắc trên khắp gò hoang, sườn đồi, ven những bờ suối đá… Kể với con gái về cảm nhận này, nó chẩu mỏ nói đúng thôi. Lá rau đẹp mong manh vậy, mưa… thô bạo là đâu có được!
Người đi hái rau nghệ đa phần là những phụ nữ nông dân đứng tuổi, chịu khó để có thêm thu nhập. Họ phải dậy từ khi gà mới gáy, đi trong mưa nhỏ và sương khuya. Trời chưa sáng hẳn nhưng rau nghệ đã lưng lửng trong giỏ rồi. Hỏi sao thấy đường hái hay vậy? Họ nói chính “làn da” trắng sáng của rau nghệ rủ rê tụi tui tới đó chớ.
Cọng rau nghệ trắng nõn, non mướt, nuột nà. Hoa, cũng chính là lá rau mọc xung quanh, tùy theo vị trí thấp hay cao, gốc hay ngọn mà khi thì hồng phớt, khi thì đỏ thắm, lúc thì tim tím, lúc thì vàng mơ. Lá rau giống cánh hoa huệ nên có người gọi là rau huệ. Nhiều khi mình ngẩn ngơ suy nghĩ: Chỉ là rau thôi mà, đẹp chi đẹp dữ vậy hổng biết! Trong chợ, người ta đặt những cô nàng rau nghệ xinh tươi lên kệ, không gian nơi ấy sáng bừng lên, bảo sao người mua kẻ bán không tấp nập cho được. Ba chục ngàn một ký rau nghệ vậy mà trên kệ vẫn hết veo dù chợ mới nhóm được nửa buổi.
Rau nghệ chỉ “khó tính” khi mọc, còn khi đã ra đời rồi thì mặc cho gió đẩy đưa. Vậy nên cô ấy mới có thể “gá duyên” với bất cứ thứ nước chấm nào. Tương ớt cũng phải, xì dầu cũng xong, mắm trong cũng tốt, mắm đục (mắm nêm) cũng gật đầu. Có lẽ do khả năng tạo cái ngon cho khẩu vị riêng từng người mà rau nghệ bán rất chạy, hễ xuống chợ là hết. Mà nhiều khi chưa biết chợ tròn méo ra sao, rau nghệ đã được người mua đón đường “rước” về nhà.
Luộc rau nghệ cần có… thuật, nghĩa là có chút “nghề”. Loại bỏ những lá bầm giập trong khi nhặt rau. Bỏ luôn phần cọng rau nếu thấy hơi cứng. Rửa thật nhẹ nhàng, để rau thật ráo nước. Chờ nước sôi bồng thì trút nhanh rau vào, bảo đảm tất cả rau đều ngập. Nước sôi lại thì bắc nồi xuống ngay. Trước khi cho ra đĩa nên dùng đũa ép sơ cho nước rau chảy ra để cọng rau hơi khô, dễ thẩm thấu với nước chấm.
Ngày mưa, trời thường trở gió, không gian se se pha đôi chút lành lạnh. “Bối cảnh” ấy mà cả nhà ngồi quanh mâm cơm bốc khói với chén mắm cá cơm (mắm cái) còn nguyên con thì ngon không thể tả. Là mình đang nói khẩu vị của riêng gia đình mình thôi nhé. Gắp một đũa rau nghệ chấm sơ vào mắm, “bình tĩnh” đặt trên chén cơm đang nóng cho ấm chỗ rau rồi… và. Ôi, ngon tới mức… nức nở luôn. Có những đọt rau chưa mềm hẳn, vẫn còn giòn đâu đó trong nách lá nghe đã lắm. Mùi rau thì khỏi chê, hăng hăng hương nghệ tươi nồng nàn. Chén mắm cái gia vị đường ớt tỏi hình như cũng tăng độ mặn mà “thắm thiết” vì biết mình tuy là loại mắm… quê mùa nhưng đang cùng mâm với loại rau… danh giá.
Trần Cao Duyên