Mùa thu, bạn nên chọn những loại rau củ quả dưới đây để chế biến món ăn cho cả gia đình.
Bắp cải
Hãy tìm mua những cây bắp cải nặng, cuộn chặt, lá giòn tươi và lá có màu sáng. Tránh mua bắp cải có phần cuống ngả nâu hoặc có những đốm nâu bẩn trên lá.
Su hào
Nên chọn những củ có kích thước từ trung bình đến nhỏ (đường kính trung bình 7-9 cm) và nặng vì su hào non thường ngọt và mềm hơn. Chọn củ xanh sáng, không bị sâu, nát.
Khoai lang
Chọn những củ khoai cứng, vỏ láng mịn. Tránh những củ khoai sứt sẹo và có chỗ nhũn.
Khoai tây
Dù là loại khoai tây nào, bạn hãy chọn củ nặng tay, không sứt sẹo và không có những chỗ bị dập nhũn.
Cần tây
Chọn các cây cần tây có các bẹ lá cuốn chặt, màu xanh nhạt và cứng. Không chọn cần tây héo, lá vàng.
Rau cải thảo
Chọ những cây cải có màu trắng sáng, bẹ còn cứng và cuộn chặt các lá với nhau. Không lấy các cây bị dập hay có chỗ bị thâm trên lá.
Bí đỏ
Khi chọn bí đỏ để nấu nên lấy những quả có màu vàng cam đậm, cứng, ít ruột, nặng tay và không bị dập, thối.
Cà rốt
Chọn những củ sáng màu, còn cứng và không quá to. Thường cà rốt quá to sẽ bị xơ và vị không ngọt. Tránh chọn những củ đã bị mềm, bị dập, chảy nhựa và bị héo.
Cà tím
Chọn những quả cứng, cuống xanh. Nếu cuống bị thâm, khô héo hoặc phần quả có chỗ bị nhũn thì không lấy.
Đậu đũa
Chọn loại có cuống màu xanh tươi, thân mềm, hạt không lớn, không nhỏ. Tránh chọn loại đậu già, ăn sẽ mất ngon.
Cà chua
Chọn những quả đỏ hồng, chắc tay, rắn, không dập úng, cuống tươi non.
Rau xà lách
Chọn cây cuộn chặt, lá dầy trắng, xoăn, giòn và tươi.
Khi chế biến rau:
– Nên sử dụng nhiều loại rau trong bữa ăn, trong ngày, trong tuần để tránh ngộ độc vì ăn quá nhiều một loại rau mà còn đảm bảo đúng nhu cầu dinh dưỡng.
– Đối với rau ăn ngọn nên ngắt bỏ phần đọt vì nơi này chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật.
– Khi luộc, xào, nấu nên mở nắp vung ra cho thuốc trừ sâu (nếu có) cũng bay bớt ra ngoài.
Tùng Anh (th)