Để tạo ra món ăn, những con chạch nhỏ bé phải trải qua ba tầng địa ngục: nước nóng, bị khoá chặt trong miếng đậu phụ và bị ăn khi vẫn còn thoi thóp.
Dojo tofu còn được biết đến với tên gọi “đậu phụ địa ngục”. Không ai biết món ăn xuất hiện từ khi nào, nhưng phần lớn cho rằng nó bắt nguồn từ truyền thuyết xa xưa của người Nhật, tạo ra một cánh cửa địa ngục làm “đông cứng” sinh vật sống bên trong.
Bên cạnh cái tên dojo tofu, người phương Tây thường gọi món này là “Baby Eel Tofu”, do được tạo thành từ hai nguyên liệu chính: cá chạch con (dojo) và đậu phụ. Công thức nấu món đậu phụ địa ngục khá đơn giản: cho nước nguội vào một chiếc nồi và thả những con chạch nhỏ để chúng tung tăng bơi lội trong làn nước mát. Khi nước bắt đầu nóng dần lên, đặt một miếng đậu phụ vào giữa nồi. Ngay lập tức, những con chạch để tránh bị luộc chín sẽ điên cuồng lao vào miếng đậu mà không biết rằng chúng đã bị “khoá” trong một bức tường, chấp nhận bị luộc chín tới chết.
Bức tranh tái hiện cách nấu món ăn. Ảnh: Cracked.
Một thực khách sau khi quan sát quá trình chế biến đã từ chối món ăn này và chia sẻ: “Sự độc ác nằm ở chỗ, ngay giờ phút những con chạch tưởng đã thoát được tử thần thì hoá ra chúng lại đến với một địa ngục đáng sợ hơn. Có nhiều người thậm chí còn chẳng chờ cho những con chạch chết hẳn mà thản nhiên ăn khi chúng còn thoi thóp. Đó là tầng địa ngục thứ 3. Ăn ở mức độ nào là tuỳ khẩu vị của mỗi người”.
Món đậu phụ địa ngục đã qua chế biến. Ảnh: Omucu.
Cách đây vài năm, một chương trình truyền hình Nhật Bản đã thử quay món đậu phụ địa ngục tại nhà hàng Konsori. Với sự nổi tiếng từ trước, hàng ngàn con chạch nhỏ đã được tìm mua để tái hiện món ăn chân thực nhất. Tuy nhiên, sự thật là người làm thường không căn được chính xác thời gian cho đậu hũ và liên tục thất bại khi quay trên sóng trực tiếp. Cảnh tượng những con chạch bé nhỏ liên tục bị luộc chín tới chết đã khiến người xem phẫn nộ, buộc chương trình phải dừng sau một thời gian ngắn phát sóng.
Theo VnExpress