Thú ăn bánh xèo khi trời vào thu

Bánh xèo có hương vị đậm đà, dễ lôi cuốn thực khách trong những ngày trời chuyển vào thu.

Cái thú của món bánh này là bạn bè cùng nhau ngồi nói chuyện rôm rả trong lúc chờ đợi những chiếc bánh nóng hổi ra khuôn, sắp lên đĩa. Đặc biệt khi tiết trời vào thu, trời se se lạnh mà được nhâm nhi đĩa bánh xèo thơm nồng thì quả là ngon không gì bằng.
Bánh xèo là loại bánh vừa ăn chơi nhưng cũng no bụng, bình dân nhưng có hương vị đậm đà, dễ lôi cuốn thực khách trong những ngày trời chuyển vào thu.
Thời kinh tế còn khó khăn, bánh xèo chỉ xuất hiện trong các đám giỗ, chạp. Ngày nay, bánh xèo được biến tấu theo từng vùng miền, phù hợp với khẩu vị mỗi nơi. Riêng bánh xèo miền Trung với hình tròn nhỏ, hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt, bên trong có nhân tôm, thịt, có người lại thích cho nấm rơm, đổ với trứng…

Thú ăn bánh xèo khi trời vào thu

Để tạo nên chiếc bánh xèo ngon phải kỹ càng ngay từ khâu trộn bột. Bột làm bánh xay từ gạo lúa đảm bảo 3 yếu tố thơm, ngon, dẻo. Gạo vo sạch ngâm trong nước lạnh vài tiếng đồng hồ trước khi xay. Khi chưa có máy xay người ta thường xay bột bằng cối đá, bột xay nhiều lần mới thật nhuyễn. Thao tác pha bột cũng rất quan trọng. Bột phải trộn thật đều tay, chú ý lượng nước, hỗn hợp bột không được quá lỏng hay quá đặc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh, vừa đủ để bánh đạt được độ giòn như ý.

Khi chuẩn bị đổ bánh, người làm bánh còn bỏ thêm vào bột lá hành hay lá hẹ thái nhỏ, một chút bột nghệ, muối đường cho vị thêm mặn mà.
Đúc bánh xèo tưởng chừng rất dễ nhưng đòi hỏi khéo tay thì mới có thể làm ra chiếc bánh vừa giòn, vừa ngon. Chảo đúc bánh to cỡ bằng chiếc đĩa, đáy cạn, có nắp đậy (loại chảo chống dính lại càng tốt). Đợi lửa củi đỏ mới cho chảo lên lò. Thoa vào chảo một lớp dầu phụng rồi đậy vung, chờ thật nóng mới đổ bột vào. Mẻ đầu được dùng để thử và tráng chảo. Bắt đầu mẻ bánh thứ hai, rải nhân lên chảo sau khi đã khử dầu, tay cầm chiếc gáo múc một vá bột đổ lên, nghiêng chảo cho bột tải đều, rồi đậy nắp vung, chừng dăm ba phút khi mặt trên của bánh xốp và khô, viền bánh co lại, tróc ra thì bánh đã chín. Người đúc nhanh tay dùng chiếc cạy bằng kim loại để đưa bánh ra khỏi khuôn. Bánh đổ càng mỏng càng ngon. Nếu để già lửa, bánh sẽ bị cháy sém. Lửa yếu quá, mặt bánh lại chai lì mất ngon. Người làm vừa múc bột đổ vào khuôn, vừa vớt bánh liền tay, nhanh chóng, cho đến khi nào thau bột vơi dần.
Bánh xèo phải ăn lúc nóng mới ngon và ăn theo kiểu chân phương: dùng tay quấn từng lát bánh mỏng rồi xuýt xoa chấm bánh với nước mắm cay nồng, vừa hít hà hương thơm nồng của những cọng rau như tần ô, cải cay, rau húng, bắp chuối…
Món bánh xèo tuy khá quen thuộc giản dị nhưng lại có sức hút lạ lùng. Nhâm nhi bánh và trò chuyện với bạn trong tiết thu lành lạnh quả thật thú biết bao.
Theo Phan Thị Thanh Ly (Món ngon Sài Gòn)

Author:

Gửi phản hồi