Truyền thống Việt Nam có nhiều ngày lễ Tết với những ý nghĩa, nguồn gốc và tên gọi khác nhau. Trong đó có một ngày Tết được “hóa danh” bằng tên gọi món ăn – Tết Hàn thực hay còn gọi là ngày Tết bánh trôi bánh chay mùng 3 tháng 3 (âm lịch).
Mùa hè đến, người ta bắt đầu thấy chán ngán những thức ăn nóng, lắm mỡ, để lựa chọn món ăn thật mát, nhẹ nhàng. Không phải cứ vào Tết Hàn thực nhưng đĩa bánh trôi bánh chay vẫn được “trọng dụng”, xem như một món quà ăn chơi trong cái nóng đầu hè và dần trở thành món quà vặt quen thuộc đối với người dân Việt.
Nếu như tuổi thơ, các em nhỏ vui sao khi được cùng mẹ xay, giã bột và vê những chiếc bánh trắng tròn, đẹp mắt. Không khí đầm ấm vui vẻ ấy luôn được người ta nhớ lại và so sánh hệt như kỷ niệm cùng mẹ gói và trông nồi bánh chưng ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền. Và chắc hẳn tuổi thơ ai cũng có một hay nhiều kỷ niệm về ngày Tết Hàn thực, háo hức khi chờ đợi và thưởng thức từng viên bánh thơm mát, ngọt ngào mẹ làm.
Những thiếu nữ Việt ta khi lớn lên lại nhất định phải học cho được cách nặn bánh, luộc bánh sao cho chín vừa và ngon. Để khi có gia đình, mỗi dịp Tết Hàn thực những người phu nữ ấy sẽ tự tay làm bánh cho cả gia đình như một truyền thống quý báu ngàn đời.
Trong xã hội hiện đại, người ta bận rộn với trăm công nghìn việc. Thế nên không phải ai cũng nhớ ngày Tết bánh trôi bánh chay. Mà dù người ta có còn nhớ thì đôi khi không có đủ thời gian để cùng gia đình quây quần tự làm món bánh truyền thống.
Nhưng dù thế, không có bất cứ gia đình nào ở Việt Nam lại thiếu hai món bánh trôi bánh chay trong mâm cỗ Tết Hàn thực. Rảnh thì tự làm lấy, bận rộn hơn thì đặt bánh hoặc ra đầu ngõ mua của cô hàng rong vài đĩa. Người nông dân nghỉ cấy cày, chuẩn bị mâm cơm cúng và tự làm bánh trôi bánh chay. Người làm công sở thì mua bánh, đặt bánh về cùng ăn với gia đình. Dường như, tục cúng bánh trôi bánh chay đã trở thành truyền thống, một nghi lễ quan trọng của người Việt Nam.
Người ta bảo, bánh trôi và bánh chay như cặp song sinh, như đôi tình nhân làm đẹp và ngọt ngào hơn cho ngày Tết Hàn thực. Nhận định ấy một phần bắt nguồn từ truyền thuyết về nguồn gốc ngày Tết, cũng một phần để nhấn mạnh thêm cho việc xuất hiện song song và không thể thiếu bất kỳ một trong hai loại bánh trong ngày này.
Bánh trôi – bánh chay không chỉ là món ăn dân dã, mang nhiều truyền thống, kỷ niệm của người Việt Nam. Mà loại bánh này còn đi vào thơ ca từ ngàn xưa như một đề tài tinh tế, nhiều ý nghĩa. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng một lần nghe đến bài thơ “Bánh trôi nước” của Bà chúa thơ Nôm từng học trong chương trình phổ thông. Cái danh của nhà thơ Hồ Xuân Hương cùng bài thơ được lưu truyền vang vọng như thế cũng thể hiện phần nào cái tiếng của hương vị và tính truyền thống loại bánh này.
Tuổi thơ ai mà không từng được nghe bà, mẹ ngâm nga: “Thân em vừa trắng, lại vừa tròn/Bảy nổi ba chìm với nước non”. Hay “Ai được thoát thân, thì ăn bánh lọt/Trôi nước rất ngọt, để các thợ chài/Dầm mưa hoài hoài, thì ăn bánh ướt/Bất toại vô phước, thì sẵn bánh bò”. Và, cứ như thế bánh trôi – bánh chay cùng ngày Tết Hàn thực truyền thống vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch luôn in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam.