Kinh nghiệm các mẹo làm gà từ các chọn đến mổ, luộc, chặt thậm chí chế biến các món ăn từ gà, tận dụng gà thừa… của Phạm Thị Hoa (27 tuổi, Quảng Ninh) đã khiến nhiều chị em nội trợ thích thú.
Dù chưa lập gia đình nhưng cô nàng Phạm Thị Hoa (27 tuổi, Quảng Ninh) vẫn rất giỏi việc nội trợ trong nhà. Cô cho biết, ở nhà mình được làm chức “bếp trưởng” vì mọi việc nấu nướng đều do cô đảm nhiệm hết.
Khi còn nhỏ, vì bố mẹ bận việc nên cô tiếp xúc với nấu ăn tự rất sớm. “Từ năm lớp 2-3 là mình đã tập tành tự đi chợ mua thức ăn cho mẹ. Lớp 8 mình có thể tự lên thực đơn nấu ăn hàng ngày. Lên lớp 10 là có thể nấu cơm đãi khách. Từ đấy là ngoài đi học thì thôi chứ ở nhà là mình đảm nhiệm cơm nước trong nhà”, Hoa chia sẻ.
Dù chưa lập gia đình nhưng cô nàng Phạm Thị Hoa (27 tuổi, Quảng Ninh) vẫn rất giỏi việc nội trợ trong nhà.
Nấu ăn không chỉ làm nhiệm vụ giúp đỡ bố mẹ, mà dần dần, nó trở thành đam mê của cô nàng 9x này. Cô thường xuyên tham gia nhiều hội nhóm nấu ăn để học hỏi. Có lẽ vì thế mà hoa có nhiều kinh nghiệm trong việc làm các món ăn. Gần đây, cô chia sẻ kinh nghiệm các mẹo làm gà từ các chọn đến mổ, luộc, chặt thậm chí chế biến các món ăn từ gà, tận dụng gà thừa… khiến nhiều chị em nội trợ thích thú.
“Kinh nghiệm chọn gà là kinh nghiệm trải qua rất nhiều năm nội trợ. Nhà mình thường 1 tháng ăn 1-2 bữa gà luộc. Nên mình đúc kết kinh nghiệm từ lời mẹ dạy, người bán gà, từ bản thân và bạn bè. Và khi đăng bài chọn gà luộc gà, mình cũng nhận được thêm nhiều kinh nghiệm hay của các chị giỏi nấu ăn khác”, Hoa cho biết.
Cô cũng chia sẻ thêm, khâu khó nhất và quan trọng nhất là chọn gà. Vì con gà ngon thì luộc có bị nứt da xấu tí hay chặt có vụn hay xấu thì ăn vẫn ngon.
Hoa chia sẻ các mẹo liên quan đến việc làm gà khiến nhiều chị em nội trợ khác khen ngợi
Cùng tham khảo những mẹo làm gà của Hoa:
CHỌN GÀ NGON
Nếu nhà ít người hãy chọn gà ri, đẻ khoảng 1 lứa, nặng khoảng 1,2-1,5kg. Nếu không có gà ri chuẩn thì mua gà mái lai nặng từ 1,5-2kg là vừa. Loại này không bị bé quá cũng không to quá, lại không bị non quá. Gà bé non sẽ gầy và nhũn thịt.
Nếu nhà đông người hãy chọn gà trống từ 2,5-3kg. Gà trống nhỏ lại ăn không ngon. Lưu ý, chỉ nên chọn con gà có mào đẹp và dựng thẳng lên. Nếu chọn được con gà chân đen lai chọi hoặc gà da vàng thì khi luộc lên, gà có màu vàng óng rất hấp dẫn.
Kiểm tra diều gà, thấy diều nhỏ, không bị nhồi thức ăn là được.
Nói chung, vẫn nên mua gà của hàng quen thuộc là tốt nhất.
CÁCH LUỘC GÀ
Luộc gà bằng nước nóng
Hoa chia sẻ, cô thường luộc gà bằng nước nóng sẽ làm co các mô bên ngoài bề mặt và giữ nước ngọt bên trong của thực phẩm. Cách này thực phẩm sẽ lâu chín nhưng khi chín sẽ giữ nước ngọt bên trong giúp thực phẩm không bị khô và thịt ngọt mềm đậm đà hơn.
Nước nóng vừa phải không làm nứt da gà nên vẫn giữ tính thẩm mỹ cho món ăn.
Nếu muốn gà vàng hơn thì sau khi luộc nên trộn mỡ gà với bột nghệ quét lên mình gà sẽ được làm da vàng óng nhưng sẽ có một chút mùi nghệ.
Theo Hoa, luộc gà bằng nước nóng từ đầu sẽ khiến da gà không bị nứt
Cách luộc
Gà bóp muối rửa sạch, móc phổi, cắt phao câu gà, móc sạch cuống họng lưỡi gà… để ráo.
Đun nồi nước, cho mẩu gừng đập dập hoặc hành khô tuỳ ý thích + ít hạt nêm hoặc bột canh + 1 ít nấm hương.
Nước nóng tầm 60-70 độ C hoặc lỡ để sôi thì tắt bếp cho nước giảm nhiệt độ sao cho khi cho gà vào mà nó săn da lại nhưng không quá nóng để bị rách da.
Cho gà vào lật 1 vòng cho mình gà đều được chần qua nước, sau đó cho 2 đùi gà xuống dưới, đập vung và đun sôi lăn tăn thì hạ lửa nhỏ. Luộc khoảng 15-20-30 phút tuỳ gà to nhỏ và non hay già.
Trong lúc luộc, thỉnh thoảng múc nước dội lên mình gà để chín đều và không bị đỏ. Gà sắp chín, tắt bếp để nguyên trong nồi đậy vung tầm 15 phút cho gà chín không bị đỏ xương.
Gắp ra đĩa để nguội khô xong chặt. Hoặc luộc gà xong bỏ ra thau nước đá lạnh ngâm cho gà thật nguội rồi để ráo mới chặt giúp da căng bóng không bị thâm và khô.
CÁCH CHẶT GÀ
Yếu tố cần và đủ để chặt gà đẹp là phải dao chặt sắc, có độ nặng vừa phải và thớt gỗ tốt, nặng. Ngoài ra, khi cầm dao phải cầm chắc tay, nếu không gà chặt sẽ nát.
Yếu tố cần và đủ để chặt gà đẹp là phải dao chặt sắc, có độ nặng vừa phải và thớt gỗ tốt, nặng.
Xem thêm cách chặt gà ngon bằng video dưới đây:
PHA NƯỚC CHẤM
– Làm súp chấm gà luộc: Lá chanh thái sợi, tiết luộc băm, hành khô thái lát, bột canh, mì chính, hạt tiêu, ớt, chanh. Hoặc pha súp theo khẩu vị từng nhà.
– Nước mắm: Hành khô thái lát cho vào bát nước mắm rồi chấm.
GỢI Ý CÁC MÓN ĂN KÈM VỚI GÀ
Miến nấu lòng gà
Có 2 cách nấu miến:
– Cách nấu truyền thống: Lòng gà bóp muối rửa sạch thái, phi hành khô thơm cho lòng gà, gia vị vào xào săn. Cho mộc nhĩ thái sợi, măng khô ninh (nếu có) vào xào cùng cho gia vị vừa ăn. Đổ vào nước luộc gà đun sôi, xong cho nhỏ lửa, nêm nếm vừa ăn. Miến ngâm mềm cắt, hành, mùi tàu, rau răm thái sợi. Chưa ăn thì chần miến, đổ ra bát, khi nào ăn đun lại nước sôi đổ vào là được mà không lo miến nở quá.
– Cách 2: Món miến nấu với nước luộc gà, lòng gà và nấm tươi.
Khác hoàn toàn với cách nấu miến + lòng gà + măng khô + mộc nhĩ truyền thống. Miến nấu với nước dùng gà và nấm tươi thơm ngon hơn gấp nhiều lần. Nấm tươi gồm các loại nấm: hương, đông cô, đùi gà, nấm mỡ, nấm rơm, nấm kim châm, nấm ngọc châm…
Nấm tươi cơ bản nên có là: nấm hương (cho vào từ lúc luộc gà), nấm đùi gà, ngọc châm, nấm sò. Mỗi nấm có thời gian chín khác nhau nhưng đều chín kỹ được. Lần lượt cho theo thứ tự: nấm hương, nấm đùi gà, ngọc châm, sò.
Lòng gà có thể nấu miến hoặc canh bí đao cà rốt
Lòng gà nấu bí đao cà rốt
Nếu không nấu miến thì các bạn nấu lòng gà với bí đao, cà rốt ăn cơm rất ngon.
Ăn gà hay ngấy nên ăn kèm rau thơm và dưa cà muối sẽ ngon miệng hơn.
TẬN DỤNG GÀ THỪA
Gà thừa thì làm đc các món sau:
– Xé làm gà xé pha
– Để nguyên miếng xóc bột chiên gà khô rán lên
– Gà chiên nước mắm
– Kho mặn ngọt với gừng hành khô
– Xé nhỏ nấu súp gà nấm
– Xé nấu mì tôm, bún phở ăn sáng
– Nấu cháo gà…