Trong bữa cơm mùa hè của người Việt, nếu thiếu đi vị chua chua, thanh của những trái sấu trong bát canh, món dầm, hay trong thứ đồ uống giải khát thì có lẽ đã mất đi một gia vị quý giá. Chính vị chua đơn giản, chẳng giống chanh, thanh trà, tai chua, hay dọc… ấy đã khiến bữa cơm trở nên ngon và hấp dẫn hơn nhiều. Vì thế, sấu không chỉ được dùng trong mùa hè, mà nhiều chị em còn muốn bảo quản hương vị của trái sấu quanh năm, sao cho mùa nào cũng có vị sấu trong bữa cơm gia đình.
Cách bảo quản sấu không quá khó nhưng cần có nhiều công đoạn. Trước tiên, chị em cần chọn được những quả sấu đạt tiêu chuẩn, sau đó sơ chế qua rồi mới đem bảo quản. Chị em hãy tham khảo nhé:
Chọn sấu
– Chọn sấu loại quả vừa đủ già tới, cùi dày, vỏ hơi sần chứ không láng bóng vì quả sấu da vẫn còn láng bóng là quả sấu non, khi làm sẽ bị ủng.
– Hoặc cũng có thể chọn loại sấu bánh tẻ vì lúc này thịt sấu còn dày, hạt nhỏ, nên chỉ cần dùng ít quả mà vẫn được nồi canh ngon lành, còn sấu đã quá già thì có khi chỉ gọt vỏ thôi, cũng đã gần vào đến hạt.
– Không chọn quả thâm, dập, vỏ xây xát.
Sơ chế và bảo quản
– Sấu đem cạo vỏ chứ không gọt, rửa sạch, để thật ráo nước cho se mặt quả sấu lại. Nhiều người thường chỉ cắt cuống sấu cho hết nhựa chảy ra ngoài, để ráo nước rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Cách này cũng được, tuy nhiên, nếu sấu không cạo vỏ thì khi cho thẳng vào nấu canh sẽ có vị hơi chát của vỏ. Hơn nữa, sấu còn tươi, cạo vỏ rất dễ. Nếu để trong ngăn đá rồi sau đem rã đông mới cạo vỏ thì sấu nhũn ra, rất khó làm. Hiện nay, người ta đã có máy chà vỏ sấu nên công đoạn này làm khá nhanh. Chị em có thể tìm đến địa điểm này để chà vỏ sẽ đỡ tốn thời gian hơn rất nhiều.
Sấu đem cạo vỏ chứ không gọt, rửa sạch, để thật ráo nước trước khi cho vào tủ bảo quản
– Lưu ý, không nên cho tất cả sấu vào chung một túi rồi để vào tủ lạnh, vì nếu để cả túi to, thì mỗi lần mở túi lấy sấu ăn, khiến một lượng hơi ẩm lớn sẽ vào túi, cả khối sấu sẽ dính chặt vào với nhau, khó lấy ra từng quả để nấu. Vì vậy, hãy chia sấu ra làm nhiều túi nhỏ (có thể là mỗi túi chứa số quả dùng cho một bữa ăn). Với cách này, bạn sẽ lấy sấu dễ hơn rất nhiều.
– Với sấu chín sẽ không còn nhựa, không cần cắt cuống hay cạo vỏ, chỉ việc rửa sạch để ráo nước rồi đem bảo quản giống sấu xanh.
Với cách bảo quản này, chị em đã có thể sử dụng sấu quanh năm cho các món ăn của gia đình.
Sấu có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như sấu ngâm mắm, canh rau muống dầm sấu, chè sấu, vịt om sấu, lẩu vị nấu sấu, canh sườn nấu sấu… Những món ăn này đều quen thuộc với các chị em. Ngoài ra, sấu còn có thể kho chung với cá, món này ngon và hơi lạ, chị em thử nhé:
CÁ THU KHO SẤU
Cá thu kho sấu
Nguyên liệu:
– Cá thu: 2 khúc (hoặc tùy số lượng người ăn mà tăng hoặc giảm)
– Sấu: 15 quả (có thể dùng sấu tươi hoặc sấu đã ngâm mắm, ở đây mình dùng sấu ngâm mắm)
– Muối, mắm, hạt tiêu…
– Gừng, xả, riềng, ớt…
Thực hiện:
– Cá thu rửa sạch, nếu mua nguyên con thì các bạn cắt khúc vừa ăn.
– Gừng, xả, riềng, ớt…bỏ vỏ, cuống, rửa sạch, đập dập và thái nhỏ.
– Ướp các gia vị trên vào cá, thêm chút mắm, muối, đường, dầu ăn, nước hàng… ướp trong khoảng 1-2h đồng hồ cho cá ngấm gia vị.
– Cá sau khi ướp đủ thời gian thì bắc lên bếp, đun sôi, sau đó cho sấu vào, đậy vung kho đến khi cá chín nục, quả sấu mềm.
Cá kho chín, cho ra đĩa trình bày, rắc chút hạt tiêu nếu thích.
(Phương Anh)