CNMN – Múc một muỗng chùm ruột giã cùng với tôm khô, một chút vị ngọt ngọt cay cay… món ăn vặt dân dã của những buổi trưa hè.
Cây chùm ruột. Ảnh: Minh Khôi
Chùm ruột hay tầm ruột (Phyllanthus acidus) là giống cây duy nhất có trái có thể ăn được trong nhóm Phyllanthaceae. Có nguồn gốc từ vùng Madagascar và phổ biến khắp vùng Đông Nam Á, cây có thể cao đến 10 m, có tán rộng và hoa màu hồng rất đẹp, thường được trồng như một loại cây kiểng. Trái mọc từng chùm, có vỏ từ màu xanh non đến vàng nhạt và mờ đục như sáp. Hình dáng và hương vị của trái tùy thuộc vào giống. Theo Les plantes médicales thì chùm ruột có nhiều nước, vị rất chua do chứa nhiều a xít oxalic, chất nhầy, giàu pectin, glucid, khoáng chất và vitamin C (45%). Rễ cây tươi và lá chùm ruột có khả năng trị bệnh scorbut (một bệnh do thiếu hụt vitamin C). Lá nấu chín đắp lên mụn nhọt giúp hút mủ rất tốt. Người ta còn nhai lá chùm ruột để xoa dịu các chứng viêm họng và miệng. Thân cây chùm ruột được đưa vào các trị liệu dân gian do khả năng làm hạ sốt nhanh chóng. Có tác dụng giải độc, chùm ruột là một trong những loại thực vật được đưa vào chương trình giải độc cơ thể, trị các bệnh về da.
Chùm ruột được sử dụng trong các món gỏi, làm nước uống, nước xốt hay làm mứt. Khi nấu ở nhiệt độ cao sẽ chuyển sang màu đỏ rất đẹp. Lá chùm ruột có vị chua nhẹ, được sử dụng để gói nem chua vì tính sát khuẩn mạnh. Có thể làm một loại nước uống lên men rất ngon: chuẩn bị 1 kg chùm ruột trái to không dập, 2 kg đường, 2 muỗng muối và 1 hũ thủy tinh sạch. Cho một lớp đường khoảng 1,5 cm dưới đáy hũ, cho chùm ruột vào và cứ tiếp tục xen kẽ hết lớp này đến lớp khác. Sau cùng thì rắc đều muối trên mặt, chèn kỹ và đóng nắp. Khoảng một tuần là có thể pha đá uống được.
Lưu ý: Những người mắc bệnh gout và sỏi thận không nên ăn chùm ruột, vì trái chứa nhiều a xít oxalic.
Minh Quân
Theo Thanhnien Online