CNMN – Ngoài phim ảnh, âm nhạc, ẩm thực Hàn Quốc ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Mời bạn thử khám phá nét giống và khác nhau rất thú vị giữa nền ẩm thực 2 đất nước.
Ngoài ngôn ngữ, nhân loại còn tìm tới những hình thức đa dạng khác để giao lưu với nhau như các loại hình nghệ thuật như mĩ thuật, vũ đạo, âm nhạc và ẩm thực. Có câu: “Con đường gần nhất để chinh phục người đàn ông là thông qua dạ dày của họ”.
Tuy nhiên, ẩm thực không chỉ chinh phục người đàn ông mà còn là vũ khí “ngọt ngào” chinh phục toàn nhân loại, không phân biệt chủng tộc, lứa tuổi, giới tính. Thông qua qua màu sắc, mùi vị món ăn của một quốc gia mà ta có thể biết về đặc trưng văn hóa, phong tục sinh hoạt của dân tộc đó.
– Nếu như khí hậu nhiệt đới đem lại cho Việt Nam nguồn tài nguyên phong phú, đất đai màu mỡ và thảm thực vật phong phú, làm tiền đề cho nền ẩm thực phong phú về rau và canh.
Ngược lại, sự kết hợp giữa khí hậu đại lục và khí hậu biển phân chia khí hậu Hàn Quốc thành 4 mùa rõ rệt, mùa xuân và mùa thu ngắn, mùa hè nóng và ẩm ướt, mùa đông kéo dài với gió khô và tuyết dày.
Đất đai khô cằn và mùa đông khắc nghiệt khiến người Hàn Quốc từ xưa đã có thói quen phơi khô rau, tích trữ lương thực “xanh” cho mùa đông.
Người Việt thường ăn rau củ tươi trong khi người Hàn Quốc tìm cách muối rau củ để trữ đông nhằm duy trì chất xơ, đảm bảo có rau trong suốt cả mùa đông lạnh giá.
-Nếu như cây lương thực lâu đời của người Việt Nam là lúa thì cây lương thực đầu tiên phát triển ở Hàn Quốc là kê và lúa mạch.
Thóc và lúa mạch
– Người Việt Nam ăn cơm là chủ yếu và thường là cơm trắng trong khi các món cơm theo kiểu trộn hay thập cẩm rất phổ biến ở Hàn Quốc.
Trước đây, ở Hàn Quốc, cơm trắng là một món ăn cao sang, chỉ thường xuyên hiện diện trong bữa ăn của các gia đình quyền thế và giàu có. Ở các gia đình thường dân, cơm xuất hiện dưới dạng các món trộn như Boribap (gạo và lúa mạch), Gongbap (gạo và đậu).
Cơm trắng của người Việt Nam và cơm trộn của người Hàn Quốc.
– Ẩm thực 2 quốc gia còn giống nhau ở sự kết hợp các món ăn có tính hàn với các món ăn có tính nóng. Các món ăn kỵ nhau không thể kết hợp trong một món hay không được ăn cùng lúc vì không ngon, hoặc có khả năng gây hại cho sức khỏe.
Ví dụ, ở Việt Nam khi ăn thịt gà luôn phải cho gừng hoặc sả; hoặc ở Hàn Quốc những món lạnh như neangmyoen (mì lạnh) cũng luôn được ăn kèm cũng ớt hoặc kimchi.
Món gà rang của Việt Nam luôn có gừng xả thì món mì lạnh của Hàn Quốc luôn ăn kèm kim chi hoặc ớt.
– Người Hàn Quốc có thói quen sử dụng gia vị: hạt tiêu, hành, tỏi… và cách gia giảm hợp lí trong từng món ăn, đem lại hương vị mới lạ và đậm đà hơn cho các món ăn. Tuy nhiên, khí hậu nhiệt đới đã đem đến cho ẩm thực Việt Nam một lợi thế lớn trong việc sử dụng các nguyên liệu phụ (gia vị) để chế biến món ăn.
Ngoài hạt tiêu, hành, tỏi… món ăn Việt còn có thể kết hợp với các loại rau thơm như húng thơm, tía tô, kinh giới, hành, thìa là, mùi tàu v.v… gia vị thực vật như ớt, hạt tiêu, sả, hẹ, tỏi, gừng, chanh quả hoặc lá non; các gia vị lên men như mẻ, mắm tôm, bỗng rượu, dấm thanh hoặc kẹo đắng, nước cốt dừa v.v…
– Sự phong phú trong gia vị nên các món ăn của người Việt thường mang tính chất phối trộn. Người Việt ít khi ăn món nào riêng biệt, thưởng thức từng món, mà một bữa ăn thường là sự tổng hòa các món ăn từ đầu đến cuối bữa. Ngược lại, nếu đã từng đến nhà hàng Hàn Quốc, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy “hoa mắt” bởi các món ăn được bày la liệt trên các đĩa nhỏ riêng biệt.
– Trong thực đơn của các món ăn ở nhà hàng Việt Nam, mỗi một đơn vị món ăn sẽ được tính bằng đĩa (đĩa thịt bò xào, đĩa nộm, đĩa nem rán) hoặc bát (bát canh, bát cơm). Nhưng ở nhà hàng Hàn Quốc, menu chỉ ghi tên một món ăn chính. Khi ta đặt một món ăn chính đó, các món ăn phụ được bày trên đĩa nhỏ sẽ được tự động được đưa ra theo set (bộ).
Món ăn của người Việt thường mang tính chất phối trộn, người Hàn Quốc thưởng thức từng món.
– Ở Việt Nam, nước mắm được sử dụng thường xuyên trong hầu hết các món ăn; khi ăn cơm, bát nước mắm dùng chung trên mâm. Trong khi đó, ẩm thực Hàn Quốc lại chú trọng tới các loại tương, tương ớt, tương trộn dấm…
Tùy theo loại món ăn mà bát nước chấm có thể xuất hiện trong bữa ăn của người Hàn nhưng nước tương của Hàn Quốc không thơm và cũng không có mùi vị “đậm đà” như nước mắm Việt Nam.
Người Việt Nam chấm thức ăn với nước mắm còn người Hàn Quốc chấm nước tương.
– Về mặt trình bày, những món ăn Hàn Quốc được chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, quá trình bày biện món cũng tinh tế và mang tính thẩm mỹ cao. Ngược lại, ẩm thực Việt Nam thường đặt mục tiêu hàng đầu là ngon chứ không phải “đẹp”.
Bởi vậy, ẩm thực Việt Nam không thiên về bày biện có tính thẩm mĩ cao như ẩm thực Hàn Quốc mà thiên về phối trộn gia vị một cách tinh tế để món ăn được ngon.
Phở và món gimbap.
Theo Afamily.vn