Hẻm Trịnh không phải là tên gọi chính thức nhưng là cái tên quen thuộc với rất nhiều người Sài Gòn.
Nằm trên con đường khá đẹp giữa trung tâm TP.HCM – đường Phạm Ngọc Thạch (đường Duy Tân cũ). Hẻm số 47 không có gì đặc biệt so với những con hẻm khác ở Sài Gòn. Hẻm là lối đi giữa hai bờ tường của những ngôi biệt thự. Nhưng cuối hẻm có nhà của Trịnh Công Sơn ở đó, một biệt thự nhỏ, khá đẹp.
Đến bây giờ trước cổng nhà vẫn còn gắn tấm bảng 47C Duy Tân, vốn là địa chỉ từ nhiều năm trước. Đây là nơi Trịnh Công Sơn sống phần lớn quãng đời mình, cho đến khi qua đời, vì thế nơi đây được lấy làm nhà tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa này.
Một góc hẻm Trịnh
Ngày còn sống, Trịnh Công Sơn từng có mong muốn rằng, có thể lưu giữ dấu ấn một thời để bạn bè xưa cũ trở lại thăm sẽ không ngỡ ngàng. Tại nơi đây, ông đã viết nên bao ca khúc đầy tính chiêm nghiệm về cuộc đời, về phận người. Ông đã phát hiện ra trong mưa “phố bỗng là dòng sông trói chân”, hay “bốn mùa như gió/bốn mùa như mây /bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta”. Và cũng chính tại căn hẻm nhỏ, bao người hâm mộ đã tiễn đưa ông về “bên trời kia”, nơi ông sẽ “hóa kiếp” thành hạt bụi. Cho đến bây giờ, cứ vào ngày 1/4 hàng năm, không biết có bao nhiêu người hâm mộ lại tìm đến nhà lưu niệm để thắp nén nhang cho vị cố nhạc sĩ tài hoa này. Cũng chính vì thế mà người Sài Gòn quen gọi tên con hẻm số 47 ấy là hẻm Trịnh.
Ở đầu con hẻm này còn có một quán cà phê vỉa hè được gọi với cái tên Cà phê hẻm Trịnh. Cà phê hẻm Trịnh ăn theo cái tên Trịnh Công Sơn mà nổi tiếng khắp Sài Gòn, khắp cả Việt Nam và thế giới. Có biết bao bài báo viết về cà phê hẻm Trịnh, có biết bao thước phim được quay ở đây, trong đó có cả những hãng phim nước ngoài. Chỉ là một quán cà phê cóc nhưng Cà phê hẻm Trịnh lúc nào cũng đông khách. Và thường thì là khách quen, quen đến nỗi chủ quán nắm rõ được gu uống cà phê đậm, nhạt khác nhau của mỗi người.
Cà phê hẻm Trịnh nghe đâu có từ năm 1987. Dường như đa số những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn là những người có tâm hồn nghệ sĩ. Vì vậy, phần đông khách hàng quen thuộc của nơi này là thi sĩ, họa sĩ, nhà văn và nhà báo. Để đến hôm nay, chính những khách hàng kiểu này dần dần tạo thêm một nét riêng cho cái quán cà phê bình dân này. Nhìn qua vẻ ngoài rất ư bình dị ấy, nhiều người đã phải tự hỏi vì sao nó có sức hấp dẫn khách hàng đến thế.
Có người cho rằng cái tên Trịnh Công Sơn chính là thỏi nam châm kéo nhiều người đến đây. Bởi vì hầu hết trong số họ đều yêu thích cố nhạc sĩ có những ca từ quá tuyệt. Họ thưởng thức cà phê ở đây với mong muốn được sống trong không gian gần gũi với thần tượng của mình. Thế là, đâu đó trong câu chuyện bàn tán sẽ nhiều lần xuất hiện những lời nhận xét, bình phẩm về âm nhạc của ông hay là những giai thoại về ông. Có lẽ rất nhiều người, mang trong lòng niềm yêu kính Trịnh Công Sơn đều nghĩ rằng, đến đây là đến rất gần với Trịnh Công Sơn rồi. Dẫu rằng, nhiều người trong số họ còn không biết nhà Trịnh Công Sơn chính xác là nhà nào, chỉ lâu lâu lại thấy mấy cô em của cố nhạc sĩ đi qua đi lại trên con hẻm này.
Không biết cái tên hẻm Trịnh này có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, mỗi vị khách tới đây, trong cái không gian vắng lặng của con hẻm, cái nơi chốn đi về một thủa của Trịnh Công Sơn này, đều thấy lòng mình lắng lại. Mỗi người vừa nhâm nhi cà phê, vừa nói đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất. Và thoảng đâu đó giữa nhịp của câu chuyện, là những khoảng lặng dành cho Trịnh Công Sơn, những khoảng lặng còn lại sau bản nhạc, những khoảng lặng để nghe những gì đã trôi qua đời ta. Và để mường tượng đâu đây, bóng dáng người nhạc sĩ tài hoa vẫn còn giữ cho riêng mình “một cõi đi về”…
Hương Lam