Thớt là vật dụng rất quan trọng trong nhà bếp giúp bạn chế biến những món ăn ngon. Dùng thớt đúng cách để vừa ăn ngon vừa đảm bảo vệ sinh, bảo vệ sức khỏe là chuyện không phải ai cũng chú ý.
Trên bề mặt thớt bẩn chứa hàng triệu con vi khuẩn có khả năng gây bệnh như salmonella gây viêm dạ dày, ruột, sốt thương hàn và Ecoli gây tiêu chảy. Chính vì thế, bạn cần chọn mua, bảo quản, sử dụng thớt thích hợp với mục đích và từng nhóm thực phẩm khác nhau để giữ gìn sức khỏe cho cả gia đình.
Bạn nên sắm 3 cái thớt, một để thái thức ăn sống, một dùng cho đồ chín và cái khác chuyên cắt trái cây… để tránh nhiễm vi khuẩn chéo.
1. Chọn và sử dụng thớt
* Có ba loại thớt: gỗ, nhựa và thủy tinh
– Thớt gỗ: Thích hợp khi bạn muốn chặt, băm thức ăn. Tuy nhiên, thớt gỗ thường có mùn, bị nứt và mục sau một thời gian sử dụng. Những khe nứt để giữ lại mảnh vụn của thức ăn, là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn.
– Thớt nhựa: Thớt nhựa không bị mùn nhưng không nên dùng thớt nhựa để chặt, băm bởi không những dao sẽ bị cùn nhanh mà những mảnh nhựa còn có thể văng ra lẫn vào thực phẩm.
– Thớt thủy tinh: Ưu điểm của thớt thủy tinh là không bị mùn, không bị ô xy hóa, dễ lau rửa. Dùng cắt đồ ăn chín hay trái cây đều được mà bề mặt không bị xước. Nhưng hạn chế của loại thớt này là không dùng để băm, chặt được đồ ăn cứng.
Lưu ý: Khi chặt cá, thịt bạn nên dùng thớt gỗ để tránh làm dao bị cùn. Với cùng một diện tích, nhưng thớt hình chữ nhật sẽ làm bạn cảm thấy rộng và thoải mái hơn khi băm, cắt thức ăn. Và tốt nhất bạn nên có ba cái riêng biệt. Một dùng cắt thức ăn sống, một dùng cắt thức ăn chín và một cái thái trái cây, rau củ để tránh lây nhiễm vi khuẩn chéo.
* Cách sử dụng:
Thớt gỗ
Thớt gỗ có độ đàn hồi cao, trọng lượng nặng, thích hợp để băm, chặt thức ăn. Chúng có nhược điểm là dễ thấm hút nước và các loại mùi, nhanh cong vênh, có mùn, nứt, dễ mục. Vì thế, khi sử dụng thớt gỗ, bạn lưu ý:
– Chọn thớt độ dày đều, không có mắt gỗ.
– Khi mới mua về, nên ngâm thớt trong nước muối mặn theo tỷ lệ: 200g muối/1lít nước, trong 24 giờ, sau đó phơi khô thoáng. Điều này giúp thớt có đủ độ ẩm, không bị rạn nứt về sau.
– Để thớt không bị mùn hay có mùi, sau khi sử dụng, bạn nên chà rửa thớt bằng một ít nước rửa bát hoặc chanh tươi. Sau đó, bạn lau khô và treo thớt ở nơi khô thoáng để ngăn ngừa nấm mốc.
Thớt nhựa
Thớt nhựa có trọng lượng nhẹ và khắc phục được những nhược điểm của thớt gỗ như không bị thấm nước, không có mùn thớt và không bị mục. Tuy nhiên, loại thớt này không chịu được lực tác động lớn. Vì vậy, cũng giống như thớt thủy tinh, chỉ nên sử dụng thớt nhựa để thái các loại thức ăn đã chế biến, không cần nhiều lực.
Khi sử dụng thớt nhựa, bạn cần lưu ý:
– Tránh ấn dao quá mạnh khiến các vết dao hằn trên mặt thớt, tạo thành những khe hở cho vi khuẩn sống, đồng thời làm thớt nhanh cũ.
– Khi thớt bị ố, ngả màu, nên ngâm thớt trong giấm, nước cốt chanh trong vòng hai giờ, rửa sạch lại bằng nước rửa bát, tráng nước sôi để làm thớt sạch và mới lại, giúp kéo dài tuổi thọ của thớt.
Thớt thủy tinh
Thớt thủy tinh làm từ thủy tinh chịu lực nên không bị mùn, không bị ôxy hóa, dễ lau rửa, chịu được nhiệt độ cao. Tuy nhiên, bề mặt thớt cứng làm dao nhanh cùn và không thích hợp cho việc băm, chặt thức ăn. Ngoài ra, bề mặt thớt trơn nhẵn có thể khiến dao dễ bị trượt, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Vì thế chỉ nên dùng thớt thủy tinh để thái trái cây, rau củ, thức ăn mềm, thức ăn đã được chế biến như thịt luộc, thịt quay, giò, chả.
Sau khi sử dụng, cần treo thớt nơi khô thoáng, có ánh nắng để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Sau sáu tháng sử dụng hoặc khi mặt thớt xuất hiện vết nứt, vỡ, ngả màu đen, có mùi lạ, bạn nên thay thớt mới. Khi chọn mua, nên chọn mua sản phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và niêm yết kiểm định đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của nơi sản xuất.
Vệ sinh thớt sạch sẽ trước và sau khi chế biến thực phẩm cũng rất quan trọng, vì thớt có ảnh hưởng rất lớn tới an toàn trong bữa ăn. Một chiếc thớt bẩn nếu không được vệ sinh kỹ sau khi sử dụng sẽ mang theo vi khuẩn có hại vào món ăn của gia đình bạn. Khi vệ sinh thớt, bạn không nên sử dụng quá nhiều hóa chất tẩy rửa. Thay vào đó, bạn nên sử dụng những chất tẩy rửa tự nhiên như chanh, muối hạt, giấm trắng, nước sôi để chà lên mặt thớt, giúp việc làm sạch nhanh và an toàn hơn. Cần có các loại thớt để dùng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín, không sử dụng lẫn lộn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
2. Bảo quản
Riêng với thớt gỗ, để thớt giữ được độ ẩm và không bị nứt, khi mua về nên ngâm thớt trong nước muối khoảng 24g với tỷ lệ 200g muối/1 lít nước rồi đem phơi khô. Theo cách dân gian, khoan một lỗ nhỏ với đường kính khoảng 1cm trên thớt rồi dùng một loại gỗ khác chốt kín lại sẽ giúp thớt không bị nứt.
Trước khi sử dụng để cắt thực phẩm (chín) nên tráng thớt qua nước sôi. Sau khi chế biến thực phẩm, dùng khăn sạch ngâm vào hỗn hợp nước rửa bát với nước nóng, rồi chùi trên bề mặt thớt. Lặp đi lặp lại cho đến khi thớt sạch, rửa lại bằng nước sạch và treo lên nơi khô thoáng.
Khoảng vài ngày cần khử trùng thớt bằng cách: hòa nước chanh với muối hột rồi tưới đều lên thớt, dùng vỏ chanh chà xát khắp bề mặt thớt. Sau đó rửa sạch và lau khô thớt bằng khăn mềm. Hoặc có thể rót giấm lên cả hai bề mặt thớt rồi dùng khăn lau khô.
Nếu thớt bị đen, ngả vàng, có thể khử trùng thớt với các loại thuốc tẩy nhẹ bằng cách cho 5ml thuốc tẩy vào 500ml nước rồi xịt lên bề mặt thớt, để khoảng 10 phút (với thớt nhựa, nếu vết ố quá nhiều, quá đen có thể ngâm khoảng 30 phút). Sau đó, rửa lại bằng nước rửa chén pha với nước ấm cho thật sạch, nếu cần có thể dùng chanh chà xát lên thớt lần nữa bởi nước tẩy là hóa chất, cần rửa kỹ. Dùng khăn mềm lau thật khô.
Sau sáu tháng sử dụng hoặc khi mặt thớt xuất hiện vết nứt, vỡ, ngả màu đen, có mùi lạ, nên thay thớt mới để đảm bảo an toàn vệ sinh.
3. Vệ sinh thớt
Sau khi cắt thức ăn, thớt rửa không sạch sẽ phát sinh nhiều vi khuẩn. Do đó bạn nhớ rửa sạch bằng nước rửa bát ngay sau khi sử dụng rồi dựng hoặc treo thớt lên cho ráo nước. Hoặc:
– Rắc một ít muối lên bề mặt thớt, sau dó dùng 1/2 trái chanh trà lên thớt. Thớt sẽ sạch và chống được vi khuẩn.
– Đổ nước nóng lên thớt rồi dùng bàn trải cứng để chà rửa, như thế vi khuẩn sẽ chết hết.
– Hòa thuốc sát trùng với nồng độ 5% (8 -16ml thuốc trong 2 lít nước) rồi ngâm thớt vào đó. Thời gian ngâm là 10 – 15 phút để tẩy sạch vi khuẩn.