Người Sài Gòn kiên trì đợi món bún giò gốc Huế nấu bếp củi

Là người con gốc Huế, vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề bán bún, nhưng bà Sương không bán bún bò mà tự chế biến được món bún giò heo chả cua Huế, được người Sài Gòn đón nhận kiên trì ngồi đợi đến lượt thưởng thức.

Người Sài Gòn kiên trì đợi món bún giò gốc Huế nấu bếp củi

Món bún giò heo chả cua được bà Sương chế biến theo đúng hương vị gốc Huế, thơm ngon đúng điệu. ẢNH: AN HUY

Nhắc đến món ăn đặc sản phổ biến ở mảnh đất miền Trung, nhiều người nghĩ ngay đến mì quảng, bún bò Huế, cao lầu… Thế nhưng, nói đến món bún giò heo chả cua Huế thì ít ai biết.

Bún giò heo chả cua Huế được bà Võ Thị Sương (46 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) mang từ mảnh đất quê hương vào TP.HCM mở quán bán phục vụ thực khách.Bà giữ nguyên cách nấu truyền thống bằng bếp củi, nêm nước lèo theo đúng cách của người miền Trung, nên mỗi tô bún được chế biến ra mang đúng hương vị gốc Huế, không lẫn bất cứ vùng miền nào khác.

VIDEO: Độc đáo quán bún giò chả cua Huế ở Sài Gòn

Muốn ăn một tô bún giò heo chả cua qua bàn tay đầu bếp gốc Huế, thực khách không cần vượt quãng đường xa xôi về mảnh đất cố đô mà có thể tìm đến địa chỉ 817 Tạ Quang Bửu (P.15, Q.8) để được tận hưởng tô bún ngon đúng điệu.

Ngoài nước lèo vừa miệng, tô bún khi đưa ra cho thực khách thưởng thức sẽ có một cục giò heo bự, 3 viên chả cua lớn, nêm thêm chút hành tây, ngò rí bắt mắt mà thơm ngon khó tả. Ngoài ra, thực khách có thể gọi phần chả cua và xương, giò heo thêm ăn cho “đã ghiền”. Mỗi tô có giá từ 40.000 – 50.000 đồng.

Người Sài Gòn kiên trì đợi món bún giò gốc Huế nấu bếp củi

Quán bún của bà lúc nào cũng nườm nượp khách đến thưởng thức ẢNH: AN HUY

Bên nồi nước lèo nóng hổi được nấu trực tiếp bằng bếp củi, bà Võ Thị Sương cho biết sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên Huế. Năm 2005, cuộc sống làm nông ở quê khó khăn, bà bàn bạc với chồng rồi cùng nhau đón xe đò vào Nam tìm kế sinh nhai.

Qua mách bảo của người quen cũng như biết cách nấu bún giò heo chả cua từ quê hương, bà Sương cùng chồng gom góp tiền mở một quán bún nhỏ bán thử. Với cách nấu đúng chất ẩm thực Huế, hương vị đặc trưng, món bún của bà được khách thưởng thức khen ngon và giới thiệu cho những người khác. Từ thời điểm chỉ bán được hơn 10kg, đến nay quán của bà đã bán đều đặn mỗi ngày hơn 100kg bún tươi (khoảng 700 tô).

Cũng theo bà Sương, nấu bún giò heo chả cua với bà không có bí quyết gì cả mà chỉ nấu theo đúng hương vị của người Huế, thực khách thưởng thức thấy ngon, ghé đến ngày một đông. Món chả cua thì do chồng bà làm. Quán bún của bà mở cửa từ 6 giờ 30 đến 12 giờ mỗi ngày nhưng lúc nào cũng nườm nượp khách. Trừ toàn bộ chi phí, mỗi tháng bà mang về thu nhập khoảng 50 triệu đồng.

“Ngày xưa ở quê, mỗi khi đến mùa gặt lúa, tôi hay nấu bún cho bà con ăn trưa, mọi người khen ngon. Khi vào Sài Gòn, tôi nấu bún giống hệt như vậy thôi. Chồng tôi trước đây khi đi bộ đội ra, có đi làm tại một cửa hàng chuyên sản xuất chả cua nên sau này mở quán thì làm được món chả thêm vào nồi nước lèo. Nhiều khi tôi tính chuyển nấu bún từ bếp củi sang bếp điện, nhưng sợ hương vị bún không giữ được đúng hương vị quê hương nên tôi vẫn nấu theo cách truyền thống”, bà Sương chia sẻ.

Qua thời gian, món bún giò heo chả cua Huế của bà Võ Thị Sương được nhiều người biết và tìm đến thưởng thức. Nhờ quán bún, bà đã nuôi dạy được 3 người con ăn học và xây được căn nhà khang trang tại TP.Huế, tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.

Theo Người lao động

Author:

Gửi phản hồi