Mọng dừa là một “đặc sản” vô cùng thú vị của tự nhiên, rất quen thuộc với người dân sinh ra tại miền Tây Nam Bộ nhưng lại là món ngon không phải ai cũng biết.
Đối với người dân sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nam Bộ, cây dừa là loài thực vật vô cùng gần gũi, thân thuộc. Cũng từ loài cây ấy, người ta đã chế biến ra biết bao nhiêu món ngon. Chúng ta đã nghe nhiều đến kẹo dừa, củ hũ dừa nhưng mấy ai còn biết, miền quê này có món mọng dừa (còn gọi là phổi dừa) thơm ngon vô cùng.
Mọng dừa ngon nhất là lúc còn nhỏ cỡ trái chanh, để mọng càng lớn thì càng có chất xơ.
Mọng dừa hay còn gọi là mầm dừa là phần lõi trắng bên trong trái dừa khô (còn nguyên vỏ) đã nảy mầm hay mọc cây. Mọng dừa có vị ngọt ngọt, ăn giòn, thơm thoang thoảng mùi dừa. Món ăn này chỉ ngon nhất là khi mọng dừa còn nhỏ như cỡ trái chanh, để mọng càng lớn thì càng có chất xơ, ăn mất ngon vì không còn ngọt, bùi nữa.
Để lấy được mộng dừa thì trái dừa khô phải được chẻ làm đôi
Nhìn mọng dừa khá giống dừa sáp nhưng lại không phải. Nó hình thành khi trái dừa bắt đầu nảy mầm. Từ lỗ mọng, rễ dừa bắt đầu hình thành để tìm nước nuôi cây. Trong giai đoạn đầu, cây non sinh trưởng nhờ phần nước dừa bên trong trái, và mọng dừa đóng vai trò cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cây dừa lớn lên.
Bất kỳ một trái dừa nào đến đúng thời điểm đều cho ra cái mọng nhỏ nhắn, xinh xinh. Thế nhưng, không phải lúc nào thực khách cũng được thưởng thức cái món quà ngọt lành đấy. Bởi, nếu dừa mới khô thì sẽ được mang đi bán, còn dừa làm giống thì lúc đó mọng dừa đã già, ăn mất ngon. Có chăng, đó là những trái dừa khô rụng xuống nơi kín đáo không được phát hiện, lâu ngày sẽ cho ra cái mọng tròn to, lúc đó những đứa trẻ liền lượm về hưởng thụ chiến lợi phẩm.
Với nhiều người ở Tây Nam Bộ, mọng dừa là cả một tuổi thơ dữ dội.
Mọng dừa cũng là một loại đặc sản tự nhiên. Để lấy được mọng dừa thì trái dừa khô phải được chẻ làm đôi. Mọng dừa sực mùi thơm, trắng mà xốp, ăn có vị ngọt. Cách ăn món “đặc sản này” là người ta lấy mũi dao nhọn thái mọng ra, bỏ vào bát, trộm thêm ít đường, vài hạt đậu phộng dằm nhuyễn.
Theo Người lao động