Sương sâm, sương sa, sương sáo khác nhau thế nào

Sương sa, sương sâm và sương sáo đều là những món ăn có tính mát, phù hợp để ăn vào mùa hè. Ba món ăn này “cùng một họ”, nhìn đều giống như thạch. Ở mỗi vùng miền, sương sa, sương sâm, sương sáo lại có tên gọi khác nhau, dễ gây nhầm lẫn.

Sương sáo

Sương sâm, sương sa, sương sáo khác nhau thế nào

Sương sáo là tên gọi ở miền Nam còn ở ngoài Bắc, món ăn được gọi là thạch đen. Đây là một món ăn xuất xứ từ Trung Quốc, được gọi là thủy cẩm, có tính mát, giúp hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp, dùng để giải khát mùa hè.

Nguyên liệu làm sương sáo là loại cây thân cỏ, cao chưa tới một mét. Thân và lá sương sáo có thể dùng ngay hoặc phơi khô để trữ dùng dần. Sau khi xay nát, nấu trong nước, lược bỏ cặn, người ta cho thêm bột sắn, gạo. Sản phẩm để nguội sẽ đông lại, có màu đen tuyền được ăn với nước đường và tinh dầu chuối.

Sương sa thường được ăn chung với các loại chè hoặc ăn riêng, chan với nước đường, thêm dầu chuối, đá xay. Ngoài ra, bạn cũng có thể sáng tạo ra các cách ăn riêng như với sữa đậu nành hay cốt dừa.

Sương sâm

Sương sâm, sương sa, sương sáo khác nhau thế nào

Sương sâm là tên một món ăn làm từ loại cây dây leo, thân và lá có lông mịn, màu lục đậm, thường mọc trong rừng, trên núi, có nguồn gốc bản địa tại Đông Nam Á và được chọn dùng trong ẩm thực Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực. Sương sâm ăn mát, ngon, bổ, thanh nhiệt, đặc biệt trị được các chứng bệnh như: mụn, táo bón.

Trong ẩm thực Lào và Isan (đông bắc Thái Lan), lá sương sâm được dùng để làm món keng noh mai som, một món lẩu chua bao gồm măng, ớt… Ở Campuchia, người ta dùng lá để ăn với món lẩu samlo; lá cũng được phối hợp với các vị thuốc khác để chế biến thành thuốc để điều trị bệnh lỵ. Ở Thái Lan, người ta dùng rễ sương sâm làm thuốc chống sốt.

Tại Việt Nam, lá sương sâm được dùng làm thạch và rau ăn. Cách làm khá đơn giản, bạn chỉ cần xay, giã nát một lượng loại lá tươi sương sâm với một lượng nước lọc nguội nhất định, lọc lược sạch, để 1-2 giờ, chất nước này sẽ kết đông và có màu xanh lá cây rất đẹp. Sương sâm có hai loại là sương sâm lông (lá và dây có lông tơ mịn) và sương sâm lá láng (lá trơn nhẵn, không lông), trong đó sương sâm lông cho thạch đông mịn và ngon hơn sương sâm láng.

Cũng giống sương sáo, khi ăn bạn cắt nhỏ, cho một ít đường và tinh dầu chuối, thêm đá bào hoặc nước cốt dừa.

Sương sa

Sương sâm, sương sa, sương sáo khác nhau thế nào

Sương sa có lẽ là cái tên quen thuộc nhất bởi cả ba miền đều có món sương sa hạt lựu hay chè sương sa. Món ăn này ở miền Trung còn có tên gọi khác là xu xoa hay xoa xoa. Đây là một loại thạch trắng, làm từ loại rong tảo biển, chứa nhiều dinh dưỡng và khoáng chất, vị dễ ăn, có nhiều tác dụng với sức khỏe, nhất là các bệnh tim mạch.

Làm sương sa thủ công khá cầu kỳ. Rong biển được vớt từ biển đem về vo và xả qua nhiều lần cho sạch rồi ngâm nở ra. Sau đó, người ta đun nước sôi, cho rong biển vào nồi. Khi nấu không để lửa quá to, tay quấy liên tục cho đến khi rong biển chín rục ra và cho thêm ít me để thạch mềm và mau đông. Tiếp tục để lửa nhỏ, vớt hết bọt rồi lọc bã, để chảy xuống khuôn. Sau vài tiếng đồng hồ, khuôn nước sẽ nguội đi, kết lại.

Khi ăn, sương sa thường được cắt nhỏ, chan nước đường, nước cốt dừa, thêm vào một ít tinh dầu hoa bưởi hoặc dầu chuối, bột báng. Sương sa chủ yếu được ăn kèm với các loại chè như chè nhãn sương sa, chè sương sa hạt lưu hay dừa sương sa. Món dừa sương sa đặc biệt được yêu thích bởi vị ngọt mát, thay vì nấu với nước thì người ta nấu với nước dừa tươi.

Theo Ngôi sao

Author: