Từ đĩa bánh cuốn Nam Định

Nếu không có lý do gì cụ thể thì chắc là khó lòng để ai đó nghĩ đến một cú bẻ lái trên đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình về hướng quốc lộ 21B để đến Nam Định.

Từ đĩa bánh cuốn Nam Định

Ảnh minh họa: TNO

Nhưng vùng đất cổ có bề dày lịch sử và ẩm thực nổi tiếng ở phía duyên hải Bắc bộ như Nam Định lại dường như không được nhắc tên trên bản đồ du lịch VN.
Một anh bạn Nam Định rứt tôi ra khỏi bữa sáng có sẵn trong khách sạn để đưa đi ăn mấy món ngon. Trong một con phố nhỏ cũ kỹ còn chưa kịp thức giấc, chiếc xe hơi của anh tấp sát vào lề trước mấy ngôi nhà còn im ỉm ngủ.

Những con phố bé nhỏ trong thành phố này dường như vẫn còn chừa đủ không gian thư thả cho những chiếc xe hơi bóng loáng đầy tương phản với hình ảnh cũ kỹ rêu phong của những bức tường. Đó có thể là may mắn mà người Nam Định còn chưa đánh mất nhờ thành phố chưa kịp trở nên ầm ào đô thị hóa.

Quán bánh cuốn chẳng có vẻ gì là hàng quán cả. Cứ như thể một nhà nào đó có chị nội trợ tốt bụng mở cửa sớm đãi khách qua đường. Đĩa bánh cuốn đem ra chẳng có dấu hiệu gì là được cố ý trình bày, dù chỉ là một chút.

Cái thói quen hàng quán của một kẻ sống đất Sài Gòn quen với những đĩa thức ăn được bày biện kiểu cách, thú thật, bỗng dưng ném vào đầu tôi chút nghi ngại: Có gì ngon không trời, mà ông bạn Nam Định lại rứt tôi ra khỏi buổi sáng buffet trang nhã ở khách sạn?
Vậy mà ngon. Không phải vì lạ miệng. Mà ngon thật. Tôi không đủ tinh tế về ngôn từ ẩm thực để tả cái mềm mại đầy thi vị của những miếng bánh cuốn được cắt ra có phần cẩu thả và chẳng được trình bày gì ngoài việc được ném vào chiếc đĩa. Cái đầu so sánh của tôi lại lên tiếng, loay hoay với ý nghĩ rằng nếu món bánh cuốn ngon thế này trở thành một sản phẩm du lịch của Nam Định thì hay biết mấy.

Không dễ gì người Nam Định sở hữu bí quyết làm bánh cuốn ngon thế. Phía sau một món ăn giản dị mà ngon vậy thì phải là một chặng đường dài của văn hóa ở vùng đất cổ này.

Nhưng nhìn những miếng bánh cuốn được cắt cẩu thả và ném vô trật tự vào đĩa bánh, tôi cứ tiếc. Liệu có bao nhiêu thứ giá trị giản dị nhưng độc đáo của Nam Định như món bánh cuốn ngon lành này đã bị cắt ra khỏi bức tranh văn hóa truyền thống đầy đặn của Nam Định và bị ném cẩu thả vào cảnh quan du lịch? Biết đâu, đó là lý do khiến Nam Định rơi vào nghịch cảnh tài nguyên du lịch cái gì cũng có nhưng lại không có gì về du lịch. Những đền những chùa cổ kính nơi đất này, những món ăn rất có hồn của Nam Định đã bị ném vào đâu rồi trong mong muốn phát triển du lịch của vùng đất?

Chiều đó tôi về Hải Hậu, diện kiến nhà thờ đổ Hải Lý trong hoàng hôn. Ngôi nhà thờ bỏ hoang từ năm 1996 bên bãi biển Xương Điền bị sạt lở giờ được sắm sửa thêm chút ánh đèn màu để làm duyên trong những tấm ảnh quyến rũ của dân mê chụp hình. Du khách kéo về, và thế là những khu nhà lá bán hải sản lấp lóa đèn trang trí xanh đỏ tím vàng mọc lên tấp nập ngay sát cạnh. Nhà thờ đổ bị ném vào một mớ hỗn độn của ánh đèn nham nhở và âm thanh ầm ĩ.

Sao cứ phải ném cẩu thả những tài sản văn hóa độc đáo của vùng đất này vào một chiếc đĩa chật hẹp nào đó của những tham vọng ngắn ngày vậy, Nam Định ơi!
Theo Thanh niên online

Author: