Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày Tết truyền thống lớn trong năm của người Việt. Trong ngày Tết Đoan Ngọ cần sắm đủ các lễ hương hoa, rượu, quả…
Tết Đoan Ngọ có ý nghĩa gì?
Tết Đoan Ngọ là tết truyền thống thứ hai trong năm âm lịch mà hầu hết người Việt Nam đều nhớ tới – đặc biệt là ở nông thôn, là nơi đại đa số mọi người gắn bó với ruộng đồng qua canh tác và chăn nuôi quanh năm vất vả, nhọc nhằn. Đây là một dịp để họ nghỉ ngơi. Về phương diện thời tiết, Tết Đoan Ngọ nhằm vào ngày mồng năm tháng năm âm lịch, thuộc tiết Đại Thử (Thời tiết rất nóng) thường sinh ra một số bệnh liên quan đến sức nóng của vũ trụ.
Tháng năm âm lịch, theo lối tính 12 chi là tháng “Ngọ.” Trên bầu trời đến tháng năm thì chuôi sao Bắc đẩu quay về Ngọ nên gọi tháng năm là “ngọ nguyệt.”
Ngày 5 tháng 5 gọi là Đoan Ngọ. Vì chữ “Đoan” có nghĩa là chính, là thẳng, là mở đầu. Có khi gọi là Đoan Ngũ vì có hai số 5. Người ta còn gọi là Đoan Dương hoặc Trùng Ngũ. Gọi là Đoan Dương vì số 5 thuộc dương. Thời tiết vào dịp mồng 5 tháng năm rất nóng, ở Đông Nam Á châu (đặc biệt Trung Hoa và Việt Nam) đây là thời điểm khí hậu rất nóng, côn trùng và sâu bọ nở ra nhiều, nông dân cần phải tìm cách trừ diệt để bảo vệ cho sự canh tác, trồng trọt. Có lẽ vì sự kiện này mà người ta còn xem Tết Đoan Ngọ là “ngày giết sâu bọ”.
Cũng có quan niệm khác cho rằng: Tết Đoan Ngọ là lễ tết lớn của người Việt Nam được tiến hành vào chính giờ Ngọ giữa trưa ngày mồng 5 tháng năm Âm lịch hàng năm. Người xưa quan niệm rằng: Trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hoá thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này. Theo quan niệm cổ truyền, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5.
Cách trừ sâu bọ trong người như sau: mọi người sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Rồi bước chân ra khỏi giường ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết. Hoa quả không thể thiếu trong ngày Tết đoan Ngọ.
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ đầy đủ (Ảnh: Phan Thị Mộng Hồng – Hải Phòng)
Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ
Ngày Tết Đoan Ngọ còn gọi là ngày Giết Sâu Bọ. Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ gồm:
– Hương, hoa, vàng mã;
– Nước;
– Rượu nếp;
– Bánh gio, bánh ú…
– Các loại hoa quả:
+ Mận
+ Hồng xiêm
+ Dưa hấu
+ Vải
+ Chuối…
* Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
Theo Eva