Bánh ú lá tre đẹp là phải có 3 đầu nhọn đều nhau, nhỏ xíu nhưng nội tôi gói đều tay vô cùng.
Vậy là đã hơn cả chục năm rồi tôi không còn được ăn bánh ú lá tre của nội mỗi dịp Tết Đoan Ngọ về. Nhưng cũng ngần ấy thời gian, ngần cái Tết Đoan Ngọ, tôi vẫn luôn nhớ đến nội, nhớ cái lưng cong, dáng ngồi nhỏ thó, cái cách nội cột dây bánh ú thoăn thoắt thiệt là tài tình, nhớ cả hương vị bánh thơm thơm mùi tro, lá dứa lẫn sầu riêng ngon ơi là ngon…
Ngày xưa nội tôi rất coi trọng ngày mồng 5 tháng 5. Bà chuẩn bị từ nhiều ngày, nhiều tuần trước, từ việc gói bánh ú đến làm cơm rượu. Bánh ú nước tro của nội luôn ngon nhất xóm bởi bà kỹ tính lắm. Không bao giờ lấy tro trong bếp mà phải là nước trong lắng lại của tro vỏ trái gòn. Gòn khô trên cây được nội chọt rớt xuống rồi gỡ bung ra những lớp gòn trắng mịn. Bông gòn được nội mang làm gối nằm, êm không thể tả. Còn vỏ gòn mang bỏ vào một cái thúng, đốt thành tro và ngâm với nước. Tro với nước được nội quậy cho hòa lẫn vào nhau thật kỹ, xong để yên nó lắng lại. Nội lấy lớp nước trong bên trên cho vào cái hủ đậy kín để dành đến ngày mùng 3 thì mang ngâm nếp gói bánh ú. Lá tre được nội chọn cũng phải là lá tre Mạnh Tông (loại tre có lá lớn và mềm). Nội luôn lựa chọn thật kỹ những chiếc lá to và lành lặn đẹp nhất để gói bánh. Mỗi cái bánh cần khoảng 3 chiếc lá.
Nội luôn thương con cháu là thế, bà hiểu chúng từ tính tình đến sở thích của từng đứa…
Nội gói với rất nhiều nhân, tôi còn nhớ nội bảo: “ Gói bánh với nhiều loại nhân khác nhau, trước là cúng ông bà, sau là con cháu ăn, đứa thích nhân này đứa thích nhân kia, vậy là đứa nào cũng có phần, không đứa nào buồn hết!”, mỗi khi tôi hỏi: “Sao nội nấu nhiều nhân quá vậy, làm vất quả quá”. Nên lúc nội còn sống, Tết Đoan Ngọ năm nào nhà tôi cũng có đủ bánh ú nước tro lá dứa đậu xanh, đậu đỏ, đậu xanh – sầu riêng, hay đậu đỏ – sầu riêng. Nội luôn thương con cháu là thế, bà hiểu chúng từ tính tình đến sở thích của từng đứa.
Bánh ú lá tre đẹp là phải có 3 đầu nhọn đều nhau, nhỏ xíu nhưng nội tôi gói đều tay vô cùng. Bà dùng một nắm dây lát 6 – 7 sợi móc chùm vào một góc cửa sổ nhà cho thòng dây xuống. Lá tre ngoắn lại thành cái quặng, cho nếp và nhân bánh vào xong bịt lại, rồi đưa vào dây cột nhanh thoăn thoắt một cách thật tài tình. Khi được khoảng 10 hay 12 cái là bà thắt chúng lại thành một chùm.
Nội gói xong cho vào nồi nấu khoảng 3 – 4 tiếng sau mới chín bánh. Bánh ra lò thật ngon với vỏ rất trong, không lợn cợn hạt nếp sống nào. Mỗi cái nội gói nhỏ gọn, người lớn có thể bỏ vào miệng gọn lỏn còn trẻ con thì cắn 1 hay 2 cái là cũng hết. Hương thơm của đậu, nước tro, lá dứa, sầu riêng hòa lẫn ngon ơi là ngon.
Cơm rượu nội làm cũng ngon đáo để, không biết nghe ai mà bà bắt cứ mỗi sáng sớm mồng 5 tháng 5, lúc bụng còn đói, mỗi đứa con, cháu trong nhà phải ăn ít nhất 1 viên cơm rượu để… diệt sâu bọ. Tôi nghe buồn cười quá, lý sự liền “Con nghĩ ăn kiểu này, rượu vô bụng nóng quá, diệt giun sán thì có chứ sâu bọ đâu mà diệt” liền bị bà cóc yêu lên đầu bảo rằng “Dám cãi nội hả!”. Tôi cười hì hì “quất” luôn 5 viên cơm rượu không phải vì muốn diệt giun sán mà bởi trót… mê cơm rượu ngọt ngọt chua chua lại dẻo thơm của nội. Ăn xong thấy người say say ngộ ngộ thích thú vô cùng.
Nội tôi là bà già quê miệt vườn thứ thiệt, cứ đến mùng 5 tháng 5 lại đi vòng quanh vườn tìm đủ loại cây thuốc mang về, nào là sả, lá chanh, lá bưởi, ngải cứu, mã đề, xương rồng… mang vào bó cả mấy chục bó vừa để cho con cháu treo ở nhà diệt sâu bọ vừa để… nấu nước xông hơi. Không biết bà nghe ai mà bắt làm thế, nhưng phải công nhận, sau khi xông hơi ra thì thấy người rất khỏe.
Nội tôi đã khuất núi từ lâu, nhưng cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 con cháu lại bùi ngùi thương nhớ, lẳng lặng đi mua một bó lá cây về treo như lời nội dặn rồi mua cơm rượu, bánh ú về cúng ông bà đầy đủ. Vậy mà, trong tâm trí chúng tôi, bánh ú ở đâu cũng không ngon bằng bánh ú nội gói năm xưa…
Cẩm Nhi
Theo Thanh niên