Cùng xem tuần qua món ăn nào được chị em yêu thích nhất nhé!
1. Bí quyết nấu cháo ngon chuẩn vị nhà hàng – 360 lượt yêu thích
-
Facebook tác giả: Lê Thị Ngọc Trân
-
Group: Chuyện của bếp
Nấu cháo không khó nhưng nấu sao cho ngon thì không phải ai cũng biết.
Hãy cùng học những bí quyết quan trọng từ tác giả Ngọc Trân để nấu cháo chuẩn ngon, ai ăn cũng đều mê tít.
Cuối tuần nấu cháo sánh mượt đậm vị cực ngon mời cả nhà ăn sáng.
Bí quyết nấu cháo chuẩn vị nhà hàng như sau:
Ngâm gạo với nước lạnh trước khi nấu khoảng 30 phút để cho hạt gạo nở ra, vừa tiết kiệm thời gian mà khi nấu hạt gạo lại nhanh nở.
Nấu cháo bằng nước sôi không những tránh được tình trạng cháo bị dính ở đáy nồi mà còn tiết kiệm được thời gian hơn khi nấu bằng nước lạnh.
Vặn lửa lớn để nấu cho sôi nồi cháo, sau đó vặn lửa nhỏ nấu khoảng 30 phút. Nhớ vặn đúng lửa thì cháo mới thơm ngon.
Vì sợ cháo bị dính đáy nồi, chúng ta thường khuấy nồi cháo. Dùng nước nóng nấu cháo thì không còn lo chuyện dính đáy nồi nữa, nhưng tại sao chúng ta vẫn phải khuấy đều? Câu trả lời là khuấy nồi cháo sẽ giúp cháo keo lại, từng hạt gạo trông thật no tròn, đẹp mắt.
Cách khuấy cháo: Lúc đổ gạo vào nước sôi, phải khuấy vài vòng rồi đậy nắp nồi cho đến khi cháo sôi, chuyển lửa nhỏ nấu khoảng 20 phút, bắt đầu khuấy liên tục không ngừng khoảng 10 phút và khi thấy cháo sánh lại thì mới ngừng.
Sau khi vặn lửa nhỏ khoảng 10 phút thì thêm vào nồi cháo một chút dầu mè hoặc dầu cải, bạn sẽ phát hiện chẳng những nhìn thấy cháo bóng láng mà khi ăn cháo còn béo hơn và tránh được tình trạng nồi cháo bị trào ngược ra ngoài.
Cháo và nguyên liệu chia riêng ra nấu. Đa số mọi người nấu cháo thường có thói quen cho tất cả thịt, cá, rau… vào nấu chung một nồi. Tuy nhiên tiệm cháo chuyên nghiệp thì không làm vậy, họ thường nấu cháo riêng và nguyên liệu riêng. Phần nào nấu thì nấu, luộc thì luộc, cuối cùng bỏ chung tất cả cháo và nguyên liệu cùng nhau 10 phút sau đó tắt bếp.
2. Thử làm sườn sốt chanh leo theo cách mới đã ăn là mê tít – 591 lượt yêu thích, 188 lượt chia sẻ
-
Facebook tác giả: Chang Nguyen
-
Group: Khỏi vắt óc nghĩ món ăn mỗi ngày
Đối với món sườn sốt chanh leo, phần nước sốt cực kì quan trọng để tạo nên vị cân bằng cho món ăn. Với cách làm sườn sốt chanh leo này, bạn sẽ có một món ăn vừa lạ vừa quen cho bữa tối. Những miếng sườn mềm thơm, đậm đà ăn kèm với cơm nóng và các loại rau củ quả không những bổ sung dinh dưỡng mà còn giúp bữa tối ngon mắt ngon miệng hơn rất nhiều đấy!
Thử ngay công thức sườn sốt chanh leo mới toanh ngon tuyệt cho bữa tối nào!
Công thức sườn sốt chanh leo như sau:
Nguyên liệu:
– 500g sườn non (chặt miếng 6 – 7cm, mình thích chặt dài cầm tay gặm sẽ ngon hơn)
– 1 quả chanh leo lấy nước cốt
– 1 thìa tỏi và hành khô băm nhỏ
– 1 thìa dầu hào
– 3 thìa tương cà
– 3 thìa tương ớt
– 1 thìa mắm
– 1 thìa hạt nêm
– 3 thìa đường
Cách làm:
Đun 1 lít nước, khi nước sôi cho sườn vào trụng sơ khoảng 1 – 2 phút rồi vớt ra rửa sạch.
Cho dầu vào chảo, dầu nóng cho sườn vào rán vàng 2 mặt (không rán kỹ nhé), gắp sườn ra đĩa. Cho dầu hào, tỏi, hành khô, tương cà, tương ớt, nước cốt chanh leo, hạt nêm, đường vào xóc đều với sườn, ướp trong khoảng 20 – 30 phút.
Bắc nồi lên bếp, cho sườn vào xào sơ (lửa nhỏ), rồi đổ khoảng 400 – 500ml nước vào đun sôi. Hạ nhỏ lửa đun khoảng 30 phút thì nước cạn sánh, nêm lại gia vị lần nữa cho vừa ăn, thêm 1 thìa mắm rồi tắt bếp, gắp ra đĩa thưởng thức.
3. Mách bạn cách làm trân châu nhân dừa trong vắt – 533 lượt yêu thích, 20 lượt chia sẻ
-
Facebook tác giả: Bùi Phương Hảo
-
Group: Món ngon nhà làm (Savoury Days Family)
Trân châu dẻo dai, trong vắt với nhân dừa bùi béo ăn kèm với chè đỗ đen hay nấu thành chè bột lọc chuẩn vị Huế là ngon hết sảy.
Trân châu nhân dừa trong vắt ai nhìn cũng muốn ăn ngay.
Trân châu này làm hoàn toàn bằng bột năng, nhân là dừa, nhồi bột đến khi mịn thì mới nặn. Đun nước sôi già rồi mới cho trân châu vào. Khi trân châu sôi lại, nổi lên thì đun tiếp từ 7 đến 10 phút đến khi thấy trân châu nở hết cỡ mới vớt ra cho vào bát nước lạnh thêm vài viên đá.
4. Chảy nước miếng với cà pháo dầm chua cay – 690 lượt yêu thích, 1 lượt chia sẻ
-
Facebook tác giả: Nguyễn Tâm
-
Group: Chia sẻ nấu ăn và trồng rau
Cà pháo dầm vốn là món ăn dân dã quen thuộc của mọi nhà. Bữa cơm ngày hè có đĩa rau muống luộc, bát canh sấu chua và vài miếng cà dầm là đã đủ ngon và đưa cơm lắm rồi. Từng miếng cà pháo dầm chua chua, cay cay lại thơm mùi riềng thật quá hấp dẫn. Bạn có thể cho cà vào lọ, đổ ngập nước và cất tủ lạnh để bảo quản cà được lâu nhé!
Chảy nước miếng với cà dầm chua cay giòn sựt.
Công thức làm cà pháo chua cay như sau:
Nguyên liệu:
– 500g cà pháo trắng
– ½ củ riềng, ½ củ gừng, 100g ớt bột xay (không ăn được cay thì dùng ớt Hàn Quốc thay thế), ½ củ tỏi
– Đường cát, nước mắm, muối
Cách chế biến:
Cà pháo mua về gọt bỏ cuống, thái đôi ngâm vào nước muối loãng 30 phút rồi rửa sạch, ngâm lại với nước ấm 30 phút nữa thì vớt ra để ráo.
Gừng, riềng gọt vỏ, ớt xay nhỏ tất cả. Cho 150ml nước lọc, ½ thìa canh nước mắm, 100g đường cát vào nồi rồi đun sôi. Nước mắm đường để nguội, cho gừng, riềng, ớt xay vào trộn đều.
Đun sôi khoảng 300 – 500ml nước, cho muối vào hòa tan (mặn nhạt tùy khẩu vị). Cho tỏi đập dập vào cùng rồi để nguội.
Tiếp đến cho cà vào hỗn hợp gia vị gừng, riềng, tỏi, ớt trộn đều, thêm tương ớt nếu muốn có độ sánh đẹp. Cuối cùng, cho cà pháo vào hũ thủy tinh (lưu ý hũ thuỷ tinh phải được tráng qua nước sôi và để khô), chế nước muối đã nguội vào ngập mặt cà, đậy kín nắp lại trong khoảng 4 – 6 ngày là ăn được.
5. Bún riêu – món ngon ngày hè “ăn đến đâu biết đến đó” – 481 lượt yêu thích
-
Facebook tác giả: Ngoc Bich
-
Group: Bếp Việt xa xứ
Bún riêu với nước dùng thanh, có thể cảm nhận rõ được vị thơm của cua, vị chua dìu dịu của nước dùng rất đi vào lòng người.
Món bún riêu cua không chỉ bắt mắt từ màu sắc đỏ quyến rũ, hương vị đậm đà, mà còn đẩy lùi cơn chán ăn của cả gia đình bạn vào quên lãng trong chốc lát.
Cua nhà mình được sử dụng bằng cua hộp, váng cua được pha lẫn với thịt và tôm, ăn mềm, ngọt và thơm lắm. Bún rối được chần qua nước sôi, chan riêu ngập bún, thêm chút ớt chưng, ăn kèm rau thơm các loại đã lắm nha cả nhà ơi!
6. Tinh hoa ẩm thực nặn tay từ bột gạo – 1000 lượt yêu thích, 12 lượt chia sẻ
-
Facebook tác giả: Trần Bảo Ngọc
-
Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh
Chất liệu tạo hình các món ăn được lấy từ sản vật của làng quê Việt: bột làm từ gạo, nếp quết nhuyễn, màu sắc tươi sáng, khiến các món ăn trông y như thật.
Tinh hoa ẩm thực tạo hình món ăn như thật từ bột gạo.
Vừa nặn vừa ăn, ăn bột gạo mà cứ ngỡ ăn mỳ vịt tiềm, mỳ ramen, mỳ xào giòn, há cảo, bánh bao, xíu mại… Chắc rằng tác giả đã rất kỳ công và tỉ mỉ khi tạo hình các món ăn “mini” giống thật 100% từ hình dáng đến màu sắc.
7. Mùa hè bạn nhất định phải có trọn bộ công thức làm kem không cần máy mịn ngon xuất sắc – 1300 lượt yêu thích, 604 lượt chia sẻ
-
Facebook tác giả: Phan Thanh Hằng
-
Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đầu tư một khoản tiền để mua chiếc máy làm kem chuyên dụng. Vì thế có rất nhiều cách làm kem không cần máy ra đời.
Với công thức làm kem không cần máy này đảm bảo bạn sẽ có cả một mùa hè mát lịm đấy!
Kem không dăm đá, mềm mịn ngon lành, không cần máy làm kem hay phải trộn, chắc chắn cả nhà đều sẽ mê tít. Bạn có thể làm nhiều vị khác nhau như: cà phê, chocolate, đào… Kem đào có thể dùng mứt đào và đào ngâm tự làm thái hạt lựu trộn vào, thành phẩm thơm nức mũi luôn nha!
Theo: Afamily.vn