Thịt gà dai mà ngọt, cay, quyện với măng chua khiến thực khách đã miệng.
Nằm ở trung tâm thành phố Thanh Hoá, tiệm ăn của cô Minh Bờ Hồ, đường Lê Phụng Hiếu, phường Ba Đình được lòng người địa phương lẫn du khách nhờ món gỏi gà lạ miệng. Gia vị thấm đều, nêm nếm hợp khẩu vị nhiều người chính là điểm cộng giúp quán luôn đông khách ghé vào mỗi chiều.
Để tạo nên sự khác biệt trong hương vị của món ăn, các nguyên liệu đều được chế biến tại nhà bằng bí quyết riêng. Trong đó, không phải gà mà măng chua ngọt mới là linh hồn của món ăn, được gia đình tự mua măng tươi rồi muối theo cách gia truyền. Khi hỏi về quy trình làm măng, cô Minh chủ quán khẳng định không thể tiết lộ chi tiết công thức để bảo mật, chỉ chia sẻ rằng măng củ tươi mua ngoài chợ, luộc xong thái sợi rồi thêm gia vị dấm, tỏi, ớt… còn muối trong bao lâu, như thế nào chỉ chỉ người trong nhà biết với nhau. Kể cả các loại gia vị khác như tương ớt, dấm nuôi… đều được người lớn trong gia đình truyền lại từ nhiều năm trước.
[fvplayer src=”https://videos.files.wordpress.com/0HPPyKCi/ge1bb8fi-mc483ng-gc3a0_hd.mp4″ splash=”https://imgs.cdnlinks.com/mn/uploads/2018/06/goi-mang-ga.jpg” width=”1280″ height=”720″]
Video: Cách làm gỏi măng gà, quá trình làm món gỏi măng gà
Gà ta luộc chín cho lớp da vàng óng, hấp dẫn. Nước dùng hầm từ xương ống và nước luộc gà nên có vị ngọt tự nhiên, đậm đà. Gà sau khi luộc thì để nguyên con, có khách mới đem chặt nhỏ rồi cho măng chua ngọt, dấm nuôi, tương ớt, dưa leo cắt lát và gia vị vào trộn đều tay. Công đoạn quan trọng nhất để tạo nên đĩa gỏi ngon nằm ở định lượng gia vị đường muối… Cũng có vài người đến đây ăn rồi học lỏm cách chế biến để mở quán, tuy nhiên họ không thể nào làm ra đúng vị gỏi nhà cô Minh bởi không ai biết chính xác có những loại gia vị nào trong đĩa gỏi, ngoài chủ quán.
Trước khi cho rau răm, húng ngắn (húng tròn, húng quế), kinh giới vào cho thơm thì đầu bếp rưới một ít nước luộc gà lên cho gia vị dễ thấm vào thịt. Từng miếng gà tuy chặt to, nhưng thịt ngọt, lại thấm đậm vị, vừa chua ngọt lại cay xè (nếu không ăn cay được thì nên dặn trước), thơm mùi rau đủ loại, hấp dẫn mà cũng “tốn” bánh phở – thứ đồ ăn kèm cho no được thêm miễn phí. Chia sẻ cùng Ngoisao.net, cô Minh cho biết, gọi đây là “món ăn gia truyền” nhà cô cũng không sai bởi nó có từ đời ông bà cô, mãi sau này mới tận dụng sự khác biệt, độc đáo theo kiểu “nhà làm” trong đĩa gỏi để mở quán ăn.
Quán nhỏ nhưng luôn đắt khách, mỗi ngày tiêu thụ hơn chục con gà. Phần ăn một con khoảng 450.000 đồng, đủ cho 6 người thoải mái. Thông thường, cứ hai người sẽ gọi đĩa gỏi một đùi một cánh, khoảng 180.000 đồng, ăn kèm bánh phở là no nê. Tiệm mở cửa từ 6h sáng đến 9h tối, món này phù hợp với cả ăn chính lẫn nhâm nhi với rượu bia đều được.
Vi Yến
Theo Ngôi sao