Khi nghe đến tên của những món đặc sản này, chắc hẳn đã có không ít du khách ngạc nhiên xen lẫn thích thú. Tuy tên gọi lạ nhưng những loại bánh này luôn rất hấp dẫn và có thể lấy lòng thực khách ngay từ lần thưởng thức đầu tiên.
Bánh ngải
Bánh ngải có hình tròn và dẹt, bắt mắt trong màu xanh thẫm. Nghe tên có vẻ “bùa ngải” như thế nhưng loại bánh này là một món ăn rất hấp dẫn và lạ miệng của dân tộc Tày ở tỉnh Lạng Sơn. Hương vị tạo nên điểm nhấn của bánh ngải chính là lá ngải cứu được đun trong nước tro bếp và trộn cùng gạo. Đi cùng với lớp vỏ dẻo dai, thơm lừng là nhân vừng đen bùi ngọt khi kết hợp với đường phèn.
Không chỉ đem lại hương vị thơm lừng, mát lành mà món bánh này còn có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. Bởi lá ngải cứu luôn là một bài thuốc thiên nhiên được người Tày vận dụng trong rất nhiều phương thuốc và trong các món ăn hằng ngày.
Bánh uôi
Bánh uôi là đặc sản và là niềm tự hào của người Mường ở tỉnh Hòa Bình. Bánh còn có rất nhiều tên gọi khá hay, ý nghĩa khác như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hay bánh đoàn kết… Nguyên liệu chính để làm nên loại bánh thơm ngon này là bột gạo nếp nương. Bánh uôi có hai loại: nhân mặn và nhân ngọt. Bánh nhân ngọt được làm từ hạt nho nhe (một loại hạt có ở xứ Mường, Hòa Bình) hoặc từ đậu xanh. Còn nhân mặn sẽ có thịt heo tẩm ướp gia vị.
Bánh được gói với lá chuối hoặc lá bương để đạt được mùi vị đặc trưng, thơm ngon nhất. Khi ăn bánh uôi, thực khách phải tước từng chút lá một, nếu không bánh sẽ bị bong ra, rất khó thưởng thức. Bánh uôi thường được làm vào các dịp lễ Tết, đặc biệt, trong tang ma của người Mường cũng không thể thiếu được loại bánh này.
Bánh tai
Bánh tai là một đặc sản mà hầu như làng quê nào ở tỉnh Phú Thọ cũng có. Trước kia, bánh được gọi là bánh trai vì được nặn theo hình con trai. Nhưng về sau, dân gian gọi tắt là bánh tai. Vốn là thứ quà quê dân dã nhưng bánh tai được rất nhiều người dân Phú Thọ ưa thích, du khách đến vùng đất Tổ cũng có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này.
Nguyên liệu để làm món bánh rất đơn giản, chỉ cần gạo tẻ, thịt lheo và các loại gia vị cần thiết. Khi ăn bánh tai, bạn phải nếm chậm rãi, cắn từng miếng nhỏ mới có thể cảm nhận hết được mùi bột quyện trong mùi thịt, hành ngây ngất. Thưởng thức xong rồi mà mùi thơm từ bánh vẫn còn phảng phất mãi chẳng rời.
Bánh su sê
Nghe cái tên lạ tai như thế vì thực chất là cách gọi chệch của chữ “phu thê”. Đây là món ăn truyền thống từ làng Đình Bảng (Bắc Ninh) và thường xuất hiện trong các mâm lễ vật trong đám cưới. Bánh su sê được làm bằng bột đường trắng, dừa, đậu xanh và nhiều hương vị. Nhân đậu xanh nặn hình tròn và được bao bọc bởi lớp vỏ bột gạo mềm dai thơm thoảng hương lá dứa.
Chiếc bánh dẻo ngọt, bùi bùi hòa quyện trong màu trắng – xanh đẹp mắt này là biểu tượng cho sự gắn kết duyên phận của vợ chồng. Bởi thế, bánh su sê luôn là món bánh cưới cổ truyền của dân tộc ta.
Bánh chông
Bánh chông là món ăn ngày Tết của cư dân ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Cách nấu bánh có một công đoạn tương tự như xôi gấc, nhưng sau khi chín xôi thì trộn đường vào rồi giã nhuyễn, sau đó ép lại, cắt thành miếng hình thoi cỡ ngón tay, phơi khô, rang giòn lên rồi mới ăn.
Bánh giòn, có màu hồng cam rất đẹp, mùi thơm ngon, vị ngọt. Món bánh này đến nay tại Nam Định cũng không còn mấy phổ biến, chỉ còn vài gia đình làm để cung cấp theo đơn đặt hàng hoặc mang lên thành phố biếu cho người thân làm quà cho đỡ nhớ quê.
Bánh gật gù
Nhắc đến Quảng Ninh, ngoài danh thắng Vịnh Hạ Long nổi tiếng thì người ta còn bị ấn tượng bởi một món bánh có cái tên rất thú vị, đó là bánh gật gù. Bánh được làm từ bột gạo xứ Tiên Yên, tráng trên lớp lưới mỏng để hấp cách thuỷ và sau đó cuộn tròn lại. Miếng bánh dẻo quẹo, ăn ngon nhất khi còn nóng và chấm với nước mắm chưng cùng mỡ gà, hành phi, ớt tạo nên hương vị rất độc đáo.
Người dân vùng này truyền lại rằng, ngày xưa khi thưởng thức những chiếc bánh đậm đà, phồng xốp và dẻo mịn thì cứ phải tấm tắc gật lên gật xuống khen ngon. Bởi thế mà từ ấy, cái tên bánh gật gù xuất hiện và được phổ biến cho đến tận ngày nay.
Bánh răng bừa
Bánh răng bừa thực chất là bánh tẻ hoặc bánh lá, nhưng người Thanh Hóa gọi tên như vậy vì hình dạng chiếc bánh trông giống cái răng bừa. Đây là loại bánh truyền thống thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có việc.
Nguyên liệu làm bánh răng bừa là gạo tẻ, còn nhân bánh là tổng hòa của các hương vị từ hành khô, mộc nhĩ, thịt ba chỉ, hạt tiêu, gia vị… Những chiếc bánh thon dài sau khi gói xong sẽ được đem hấp hoặc luộc cho đến lúc mùi thơm của thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu hòa với mùi bột gạo tỏa ra ngào ngạt. Bánh răng bừa có cái tên lạ mà hương vị cũng rất thơm ngon. Cắn một miếng bánh, bạn sẽ cảm nhận được bao nhiêu tinh hoa của đất, của trời và cứ muốn thưởng thức mãi không thôi.
Bánh vạc
Do có hình dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh và có màu trắng trông như những đóa hoa hồng nên bánh vạc còn có tên gọi khác là White Rose (hoa hồng trắng). Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nguyên liệu chính để làm bánh vạc là tinh bột gạo, nhưng để có được đĩa bánh vạc như ý thì bột gạo phải được lọc đi lọc lại nhiều lần. Nhân bánh chủ yếu làm từ tôm tươi, thịt xay nhuyễn trộn với tiêu, hành, nấm mèo, muối, nước mắm…
Đĩa bánh vạc khi dọn ra phục vụ thực khách sẽ được rắc thêm hành phi lên trên, chấm kèm nước mắm ớt được pha thật khéo. Nhâm nhi miếng bánh vạc trong miệng, vị ngọt của nhân thịt tôm, giai giòn của vỏ bánh, thơm của hành phi, cay cay, mặn mặn của ớt và nước mắm… tất cả hòa quyện rất ngon miệng.
Bánh đập
Bánh đập là một món bánh đơn sơ, giản dị nhưng lại làm nên tên tuổi cho ẩm thực vùng phố cổ Hội An. Đây là sự kết hợp đặc biệt giữa bánh ướt và bánh tráng nướng tạo nên một món ăn vừa giòn giòn, vừa dẻo thơm. Tráng đều bên trong là lớp mỡ hành beo béo, còn nếu muốn ăn no thì cứ thêm thịt nướng, lòng heo…
Khi thưởng thức món bánh giản dị này không thể bỏ qua chén mắm nêm đặc trưng của người miền Trung. Chiếc bánh tròn được “đập” làm đôi và cuốn lại rồi cứ thế mà lan toả vị giòn, dẻo và đậm đà khắp vòm miệng, làm thực khách cứ mãi vấn vương.
Bánh 7 lửa
Bánh 7 lửa thật ra là một loại bánh khô mè và có hình vuông hay chữ nhật, được bao phủ bởi lớp mè thơm phức, qua 7 lần nướng mới tạo nên vị thanh bùi và ngon ngọt… Vì thế, món bánh khô mè ấy còn được gọi bằng cái tên dân dã: bánh 7 lửa.
Nguyên liệu tuy rất đơn giản nhưng công đoạn chế biến thì rất công phu, đòi hỏi nhiều thời gian, sự khéo léo và kinh nghiệm của người làm bánh lâu năm. Từ những nguyên liệu đơn sơ mộc mạc như bột gạo, đường kính, gừng, mè… qua bàn tay của người thợ lại trở thành món bánh tuyệt hảo. Chiếc bánh bảy lửa khá xốp và giòn, có vị ngọt của đường, vị bùi của mè và chút thanh của gừng. Để có thể thưởng thức món bánh đúng “chuẩn”, du khách đừng quên nhâm nhi cùng chén trà nóng thơm ngon.
Bánh ít
Món bánh có tên khá ngộ nghĩnh không kém là bánh ít này lại là món ăn phổ biến ở cả ba miền trên đất nước ta. Mặc dù hình dáng và nhân có thay đổi chút ít ở mỗi vùng miền nhưng tựu chung là vỏ bánh được làm từ bột nếp và nhân từ đậu xanh. Bên trong lớp vỏ dẻo mịn ấy có thể là nhân ngọt với đậu xanh, dừa… hoặc đậm đà vị mặn của thịt, trứng, lạp xưởng…
Nếu người miền Bắc thường gói bánh bằng lá gai và có hình tam giác hay vuông thì bánh ít của người miền Trung lại mang dáng hình tam giác trụ. Còn về miền Nam, lá chuối tươi sẽ được dùng để gói bánh và chúng có kiểu tháp to và đầy đặn hơn. Bánh ít là món có thể ăn chơi nhưng vào những ngày giỗ chạp thì đây lại là món đồ cúng truyền thống trên mâm cỗ không thể thiếu ờ nhiều gia đình.
Bánh cống
Món ăn gây ấn tượng bởi tên gọi độc đáo này bắt nguồn từ dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Bánh được đổ trong một chiếc khuôn tròn, sâu lòng như chiếc cống nhỏ. Một chiếc bánh đúng chuẩn là giao hoà giữa nhân đậu xanh bùi bùi cùng thịt heo ướp gia vị đậm đà. Cuối cùng là không thể thiếu vài con tôm nằm bên trên tiếp thêm vị ngọt cho chiếc bánh.
Bánh cống được chiên ngập trong dầu nóng cho đến khi vàng giòn và được thưởng thức cùng rau sống, nước mắm chua ngọt chấm cùng là đã trọn vị. Món ăn dân dã ấy vậy mà lại níu kéo khẩu vị của thực khách bốn phương.
Đi dọc chiều dài đất nước từ Bắc đến Nam, nếu phải kể hết các loại bánh từ mặn đến ngọt chắc chúng ta sẽ không bao giờ đếm xuể. Bên cạnh các món bánh quen thuộc thì không thể không nhắc đến những chiếc bánh có những cái tên rất lạ, gây rất nhiều tò mò cho thực khách bốn phương như trên bạn nhỉ!
Theo Thể thao văn hóa