Theo các ngư dân, việc đánh bắt sứa biển trở thành thông lệ như chuyện đánh bắt cá, tôm nhưng con sứa xứ biển Quảng Nam, Đà Nẵng chỉ xuất hiện nhiều vào tháng 4, tháng 5 âm lịch hằng năm.
Hấp dẫn đĩa nộm sứa – VĂN HOÀNG
Những ngày này, bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng và kết thúc chuyến đi lúc 6 giờ, rất nhiều ngư dân bắt được sứa cỡ lớn.
Sứa vừa mới bắt về, chỉ bằng vài động tác thuần thục của các bà, các chị, sứa nhanh chóng được làm sạch chất nhầy và chia nhỏ để chuyển đến những quán ăn, nhà hàng, chợ trong vùng lân cận. Mỗi mùa sứa về, du khách dễ dàng thưởng thức một tô bún sứa nóng hổi, nghi ngút hoặc món gỏi sứa nồng nàn vị biển.
Sứa đem từ biển về rất nhiều nước và có vị tanh tanh của biển, nên khâu đầu tiên là phải đánh bay mùi tanh. Ngâm sứa vào hỗn hợp lá ổi đập dập cùng nước ấm trong khoảng 10 phút, vớt ra ép cho bớt nước, rửa sạch, mùi tanh sẽ không còn.
Sứa có thể chế biến khá nhiều món ngon như bún sứa, canh sứa, sứa xào, nhưng phổ biến nhất là nộm sứa. Để nộm sứa được ngon, dù bận bịu đến mấy, các bà, các chị nội trợ miệt biển tìm đủ bộ nguyên liệu gồm sứa, thêm vài trái chuối chát, trái xoài xanh, rau thơm, tỏi, ớt, chanh, gừng… và đậu phộng quê cùng vài cái bánh tráng nướng. Sứa sau khi qua sơ chế, tiếp tục dùng tay vắt ráo.
Công đoạn tiếp theo là trộn sứa với các loại gia vị tiêu, muối, chút xíu đường… để khoảng mươi phút cho thấm, rồi vắt nhẹ lại lần nữa nếu sứa và gia vị tiết ra nước. Tiếp tục cho chuối chát xắt mỏng, xoài ươm bào sợi vào. Không quên tưới tắm thêm cho món nộm bằng chén mắm chua, cay, ngọt, đậm đà… đúng chuẩn xứ Quảng.
Sứa qua sơ chế trước khi làm nộm
Cuối cùng, rải đậu phộng rang đập dập vào cùng rau thơm cắt nhỏ, tất cả được trộn đều.
Cái ngon của món nộm sứa là vừa có cảm giác mát lạnh, vừa có độ ngọt ngọt chua cay thơm, sừn sựt của sứa. Đặc biệt, nộm sứa ăn nhiều không có cảm giác ngán, trái lại càng ăn càng thích.
Văn Hoàng
Theo Thanh niên online