Bánh mì 5C 30 năm giữa trung tâm, bà chủ vui tính khiến nhiều người nhớ

Chỉ là xe bánh mì dân dã bình thường giữa TP.HCM, ấy thế mà từng ổ bánh mì lại mang thật nhiều câu chuyện kể.

Bánh mì 5C 30 năm giữa trung tâm, bà chủ vui tính khiến nhiều người nhớ

Bà chủ vui vẻ bên xe bánh mì 30 năm

Chẳng biết từ bao giờ ở mảnh đất phồn hoa, náo nhiệt nhất cả nước lại có những xe bánh mì dân dã là hình ảnh quen thuộc đến thế. Có lẽ vì tính tiện dụng giữa một đô thị tất bật, mà ổ bánh mì đã gắn bó với mọi tầng lớp, từ học sinh, sinh viên, công nhân cho đến những nhân viên văn phòng, doanh nhân hay giám đốc…
Món ăn này lại càng trở nên quen thuộc với người dân trong con hẻm 5A Nguyễn Đình Chiểu nối liền hẻm 12 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1). Nơi đây có một xe bánh mì không tên, nhỏ nhắn, gọn gàng, nép mình một góc. Ấy thế mà từng ổ bánh mì đã gắn liền với những câu chuyện của bà chủ thích huyên thuyên cùng biết bao thực khách.

Theo lời “đồn đại” ấy, một sớm cuối tuần, tôi ghé qua xe bánh mì của bà chủ vui tính Thái Thị Hồng Hạnh (51 tuổi). Không khó tìm, cũng không khó để bắt chuyện với bà chủ gốc Sài Gòn này, mà khó là xe bánh mì đông… quá! Từ học sinh, sinh viên, mấy anh công nhân viên chức lịch sự, cho tới bà cụ nhà gần đi bộ ngang, cứ tạt vào là xách đi vài ổ. Cái xe bánh mì nhỏ nhỏ vậy chứ có cả Range Rover ghé vô chứ chẳng đùa!

“Cho em ổ không…”

“Không đồ chua, không ớt. Rồi, đợi tí! Nay đi làm trễ coi chừng bị trừ lương nha”

“Nghỉ luôn, ra bán bánh mì với chị”

“Thôi đi, mình tui khổ đủ rồi”

Vừa thoăn thoắt tay chân, vừa không ngớt câu đùa, bà Hạnh nhanh chóng giao ổ bánh mì cho một cô nhân viên văn phòng. Nhiều khách đến, chẳng phải đợi dứt câu, hoặc có khi im ru luôn, cuộc mua bán vẫn được diễn ra. Thế mới thấy sự chịu khó nhớ sở thích từng người ăn của bà chủ, cả sự gắn bó của nhiều thực khách với hàng bánh mì này.

Rồi bà quay ngoắt sang cậu sinh viên đang lóng ngóng nhìn đồng hồ, tay vẫn xẻ ổ bánh mì, miệng liến thoắng: “Sợ trễ thì mang luôn vào lớp mà ăn. Cô bắt thì nói tại bánh mì ngon quá chịu không nổi, xong giới thiệu cô ra đây ăn giùm tui luôn” .

Cậu sinh viên bật cười: “Trời ạ. Cô con ăn từ thời sinh viên, giờ thành giảng viên, đẻ hai đứa con luôn rồi đó”. Cô Hạnh trợn mắt. Hỏi ra thì đúng thiệt, cái cô giảng viên ấy là khách quen ơi là quen của xe bánh mì! Một tuần hết phân nửa ghé qua, tính ra cũng suốt hai chục năm trời.

Khách vãn đi, bà Hạnh mới bắt đầu câu chuyện dài, từ cái thời bà còn con gái. “Tôi lấy chồng năm 21 tuổi. Mà tuổi đó hồi xưa nhìn già lắm, tại bươn chải nhiều, chứ hông có trẻ trung phơi phới như cô cậu bây giờ. Rồi thì cùng kiếm sống, chồng tôi làm điện lực, tôi theo bà dì học bán bánh mì. Quay đi quay lại mà 30 năm tròn rồi, nhanh ghê nơi”, bà nhớ lại.

Năm đó, bà Hạnh mở xe bánh mì ở số 160 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh). Mãi đâu tới năm 1994, thấy một học viện gần nhà mở chỗ ở sinh viên, bà đầu tư thêm xe bánh thứ hai, bán ngay trước cửa. Bà kể lúc đó bán đông kinh khủng, chồng rảnh ra phụ mà vẫn không xuể! Bán đâu hơn 300 ổ mỗi ngày, chủ yếu cho sinh viên, với nhân viên mấy công ty xung quanh.

“Thời đó tui mê bán lắm, thời “hoàng kim” của tui mà! Gần như không nhìn được mặt khách nào hết, chỉ biết cắm đầu vô ổ bánh mì rồi sang qua cho ổng giao mới kịp. Sau trường mở chi nhánh chỗ khác, sớt bớt sinh viên qua. Mấy công ty gần đây cũng bắt đầu quản giờ giấc nghiêm hơn, không cho nhân viên ra ngoài, nên thưa dần đi. Giờ sáng bán khoảng hơn 100 ổ hà. Mà kệ, vậy mình mới có dịp nhớ mặt đặt tên khách, nhớ khách khoái ăn gì để chiều hết mình”, bà Hạnh kể, chẳng có chút bi quan.

Xe bánh mì bà Hạnh nằm đối diện Nhà khách 5C Nguyễn Đình Chiểu (Q.1), nên người ta vẫn quen gọi là “bánh mì 5C”. Tôi hỏi sao không đặt tên cho mọi người dễ gọi, bà lắc đầu, tại quen rồi, giờ đặt tên người ta tưởng bánh mì khác lại không mua.

Còn xe ở Xô Viết Nghệ Tĩnh, bà vẫn giữ vì cũng có rất nhiều khách quen. 9 giờ bán xong ở đây, về lo cơm nước, chiều 16 giờ bà lại qua đó bán thêm vài chục ổ. Xe ở đó người ta quen gọi là “bánh mì cây xăng”, vì nằm gọn lỏn ở một góc cây xăng, cũng không đặt tên.

Bánh mì 5C 30 năm giữa trung tâm, bà chủ vui tính khiến nhiều người nhớ

Xe bánh mì đông nghịt khách từ sáng sớm

Bánh mì 5C 30 năm giữa trung tâm, bà chủ vui tính khiến nhiều người nhớ

Xe bánh mì quen thuộc với người dân trong con hẻm

Bánh mì 5C 30 năm giữa trung tâm, bà chủ vui tính khiến nhiều người nhớ

Bà chủ vui tính hay huyên thuyên đủ điều

Bánh mì 5C 30 năm giữa trung tâm, bà chủ vui tính khiến nhiều người nhớ

Thực khách kiên nhẫn chờ đợi

Bánh mì 5C 30 năm giữa trung tâm, bà chủ vui tính khiến nhiều người nhớ

Xe bánh ven đường nhưng rất tươm tất

Bánh mì 5C 30 năm giữa trung tâm, bà chủ vui tính khiến nhiều người nhớ

Những ổ bánh mì vội vàng bắt đầu cho một ngày làm việc

Bánh mì 5C 30 năm giữa trung tâm, bà chủ vui tính khiến nhiều người nhớ

Nhiều khách sang cũng mê vị bánh mì nơi đây

Bánh mì 5C 30 năm giữa trung tâm, bà chủ vui tính khiến nhiều người nhớ

Ổ bánh mì đầy ắp có giá 15.000 đồng

Bánh mì 5C 30 năm giữa trung tâm, bà chủ vui tính khiến nhiều người nhớ

Xe bánh mì dân dã mang những niềm vui và câu chuyện giản đơn

Tính bà thích kể chuyện, hễ đông thì thôi, chứ vắng là bà huyên thuyên đủ điều. “Thâm niên” 30 năm bán bánh mì của bà biết bao nhiêu kỉ niệm. Bà nhớ nhất là chuyện một cậu sinh viên kia: “Một bữa nó nhào vô cái ào, khoe cô cô, con mới mua xe mới nè, nhờ ăn bánh mì cô đó! Tui lắc đầu, ủa tui đâu có liên quan. Nó cười khà khà, nhờ ăn bánh mì cô nhiều con mới dành dụm được tiền mua đó chớ! Nghe mà vui trong bụng”.
Rồi bà kể chuyện ông đầu bếp của nhà hàng nào gần đây cũng mê bánh mì của bà. Rồi cả khách Tây nữa. Mà bà nói khách Tây họ ngại ăn mấy nguyên liệu kia, chỉ thường ăn ốp la. Bà thì không hiểu tiếng Tây, nhưng mà bà không ăn gian nói dối như nhiều người bán hàng khác. Ổ bánh mì 15.000, bà lấy ra 1 tờ 10.000, 1 tờ 5.000, kêu họ đưa y vậy. Thế là xong!

“Có ai nghĩ bán bánh mì mà được tiền boa không? Chứ tui có đó, lại khách Tây mới ghê. Ổng xí xô xí xào, tui hông hiểu, nhưng lần nào có con gái tui phụ thì nó nói chuyện được. Ổng thích quá đưa 2 mẹ con 50.000 cho 2 ổ bánh, tui thối 20.000 mà ổng không lấy, tay đẩy lia lịa, nhưng mà rất lịch sự nha. Rồi ổng thành khách quen luôn”, bà Hạnh cười thích thú.

Ổ bánh mì của bà Hạnh cũng không có gì quá đặc biệt, ngoài vị nước sốt và món xíu mại được nhiều người ăn hài lòng. Như thực khách Nguyễn Hùng (ngụ Q.1), ăn bánh mì bà Hạnh đã gần chục năm, nhận xét: “Tôi thích nhất là xíu mại viên ở đây, nhỏ chứ không to nên thấm vị. Nước sốt thì đậm đà lắm, làm mềm ổ bánh mì, ăn không bị ngán. Giá cũng bình dân”.

Bà Hạnh bảo, bà cũng không có bí quyết gì: “Hồi xưa bà dì chỉ sao thì mình làm y khuôn, tùy số lượng mà nhân lên. Riêng chả là phải lấy lò quen mấy chục năm. Khách tui hay lắm nha, một bữa hết đột xuất, mua đỡ cây chả ở chỗ khác, họ ăn họ biết họ nói liền hà. Bởi vậy, phải luôn đảm bảo chất lượng, không có tầm bậy được”.

Ở Sài Gòn, người và người gắn bó với nhau, đôi khi chỉ bằng một ổ bánh mì người mua, kẻ bán như thế.
Hoài Nhân
Theo Thanh niên online

Author: