Thịt lợn đen, bánh nếp nhân trứng kiến hay gỏi cá bỗng sông Lô… đều là những đặc sản nức tiếng mà bạn nhất định phải thử khi đến Tuyên Quang.
Thịt lợn đen: Lợn đen là loại lợn được chăn thả tự nhiên trên địa bàn huyện Nà Hang với trọng lượng 40-55 kg, do không dùng thuốc tăng trọng. Hơn nữa, thịt lợn đen còn nổi tiếng có vị thơm, săn chắc, không có nước khi nấu, bì giòn, được người Na Hang chế biến thành những món ăn độc đáo như thịt lợn xào lăn, thịt lợn nướng riềng mẻ, thịt lợn nướng ngũ vị hương… Ảnh: Ttvn, Giadinh.
Bánh nếp trứng kiến: Trứng kiến chỉ có theo mùa nên bạn phải đến Tuyên Quang đúng thời điểm thì mới có thể thưởng thức bánh nếp trứng kiến. Món bánh của người dân tộc Tày này có vị thơm ngon của nếp, vị ngậy béo của nhân trứng kiến hòa quyện với hành và thì là. Là một món ăn dân dã nhưng rất độc đáo, bánh nếp trứng kiến tuy nhiên cũng gây ra dị ứng cho một số người nhạy cảm. Ảnh: KT.
Gỏi cá bỗng sông Lô: Gỏi cá bỗng sông Lô là món ngon nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Nguyên liệu để chế biến được lựa chọn là những con cá có thịt chắc, được nuôi 1,5-2 năm và có trọng lượng đạt 2,5-3 kg. Món gỏi cá Tuyên Quang này không dùng thính gạo như thông thường mà dùng xương cá băm nhỏ, rang vàng rồi cán mịn, trộn đều với lạc rang giã rối, khi ăn, trộn cùng những lát cá thái mỏng kèm gia vị, rau thơm, các loại lá rừng và nước sốt sánh, ngọt hấp dẫn. Ảnh: Luonlo.net, Tùng Anh.
Mắm cá ruộng Chiêm Hóa: Đây vừa là món ăn truyền thống, vừa là vị thuốc độc đáo để giải rượu, giải độc rất tốt của dân tộc Tày ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Để làm ra một hũ mắm cá ngon, đòi hỏi khá công phu. Mắm cá làm từ loại cá chép nuôi ở ruộng trong 3 tháng. Sau đó, gạo nếp được nấu lên, để nguội, trộn đều với cá, riềng, lá trầu không… và ủ men trong 10 tháng để làm mắm. Mắm cá ruộng có mùi thơm, hấp dẫn, dùng để chấm các loại thịt luộc, rau sống, rau luộc… Hương vị đặc trưng của thứ đặc sản này khiến ai đã từng một lần thưởng thức đều không thể quên. Ảnh: Pinterest.
Măng lưỡi lợn (măng khô): Măng lưỡi lợn hầm với giò heo là món ăn không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền ở Tuyên Quang. Khi ăn, từng lát măng vàng mỡ màng, mềm mại nhưng giòn ngọt đậm đà. Nhờ tác dụng khử mùi tanh, măng còn được nấu với các món chim, cá tươi, thịt gia súc, gia cầm, tạo thành món ăn rất ngon như măng hầm nước luộc gà, măng hầm sườn non, vịt xáo măng… Ngoài ra, món canh măng hầm ăn cùng với cơm hay bún cũng rất ngon miệng. Ảnh: 102food, Rừng vàng.
Cam sành Hàm Yên: Cam sành Hàm Yên là một thương hiệu nổi tiếng, rất được ưa chuộng. Bởi cam được trồng trên núi cao, khí hậu mát mẻ, tạo nên vị ngọt mát. Loại cam này cũng có giá trị dinh dưỡng cao với hàm lượng đường trên 10%, hàm lượng vitamin C từ 40-90 mg/100g. Ảnh: Camsanhhamyen.
Bánh gai Chiêm Hóa: Ngoài mắm cá ruộng, bánh gai Chiêm Hoá cũng góp phần làm phong phú và đặc sắc văn hoá ẩm thực đất Tuyên Quang. Món bánh này làm từ nguyên liệu gồm lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, mỡ lợn, dừa tươi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối. Lá gai với hương vị đặc trưng quyện cùng mùi thơm của gạo nếp, lá chuối khô tạo nên vị thơm ngon rất riêng mà không nơi nào có. Bởi vậy, du khách khi đi qua thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) đều không quên mua loại đặc sản này làm quà. Ảnh: Ttvn.
Rượu ngô Na Hang: Rượu ngô Na Hang không chỉ khiến người ta “say như điếu” bởi chất ngô ngọt thanh mà còn bởi công thức lên men đặc biệt từ lá rừng. Men lá được pha chế bởi hơn 20 loại thảo dược quý có tác dụng chữa vết thương, thấp khớp, phong thấp… Chỉ cần nhấp một ngụm rượu ngô Na Hang, bạn có thể cảm nhận được hương thơm, vị mát lan tỏa khắp cơ thể.
Uyên Hoàng
Theo Zing