Đậu phộng, sầu riêng, trứng ốp lết, bánh mì nướng… có thể là món ăn khoái khẩu của nhiều người, song trên các chuyến bay, những cái tên này hiếm khi xuất hiện vì các lý do sau.
Trứng ốp lết: Dù hâm mộ các món trứng cuồng nhiệt đến mức nào đi nữa, bạn cũng nên từ bỏ ý định thưởng thức trứng ốp lết trên máy bay. Giữa điều kiện lơ lửng trên không, hương vị món ăn này trở nên kém ngon hơn hẳn, thậm chí còn nhanh chóng chuyển mùi khó chịu. Ảnh: NYT Cooking.
Sushi: Nhiều tín đồ ẩm thực Nhật Bản hẳn sẽ phiền lòng khi biết rằng các chuyến bay không thể sẵn sàng phục vụ bạn món sushi. Nếu các món cá nấu chín đã khiến khâu hậu cần của các hãng hàng không có phần “lao đao”, thì các loại cá sống thực sự là cơn ác mộng. Không đầu bếp nào có thể đảm bảo chất lượng cá, lươn… tươi ngon cho hàng nghìn hành khách trên các chuyến bay mỗi ngày. Cả khi tủ đông là một giải pháp, tiếp viên hàng không cũng là một trở ngại, vì họ không được đào tạo hay đủ trang thiết bị cần thiết để phục vụ sushi đúng chuẩn. Ảnh: Thornberry Woods.
Các đặc sản “quá địa phương”: Đối tượng khách hàng của các hãng hàng không luôn đa dạng, đến từ nhiều quốc gia, vì thế các chuyến bay cần đáp ứng nhiều khẩu vị khác nhau. Tuy nhiên, những món đặc sản “quá địa phương” sẽ không dễ có mặt trên máy bay, vì chúng khó sản xuất hàng loạt và phục vụ hàng loạt, chẳng hạn món vây cá mập lên men nổi tiếng của Iceland, hay trứng vịt lộn của một số nước Đông Nam Á. Ảnh: Zagat.
Thức ăn phong cách “ẩm thực phân tử”: Với nhiều thực khách, ẩm thực phân tử (molecular gastronomy) có thể còn khá mới mẻ. Kết hợp cả kiến thức vật lý – hóa học, ẩm thực phân tử đòi hỏi người đầu bếp phải đủ am hiểu về các quá trình này trong chế biến nguyên liệu mới có thể cho ra những món ăn cao cấp, độc đáo. Phong cách ẩm thực phân tử phức tạp, tinh tế, tốn thời gian, trái ngược với yêu cầu nhanh chóng, hiệu quả của ngành hàng không. Vì thế cả khi ngồi khoang hạng nhất, bạn cũng không thể thưởng thức các món ngon này. Ảnh: Sydney Kramer.
Sốt bơ và thức ăn chiên bơ: Trên thực tế, cả sốt bơ và thức ăn chiên bơ không phải là lựa chọn lý tưởng để phục vụ cùng lúc nhiều hành khách trên chuyến bay. Dầu hay bơ nói chung dễ bị ẩm, sũng nước, vì thế các đầu bếp thường tránh những thực phẩm có liên quan. Nếu muốn thưởng thức món khoai tây chiên bơ giòn rụm, thơm lừng, có lẽ bạn phải chờ đến khi… đáp xuống mặt đất. Ảnh: Richard Allaway.
Phô mai “thối”: Bị liệt vào danh sách cấm vì có mùi khó chịu, ảnh hưởng đến nhiều hành khách, phô mai “thối” không dễ tìm thấy trên thực đơn của các hãng hàng không. Dù nổi tiếng thế giới như phô mai Gruyere, phô mai raclette của Thụy Sĩ hay phô mai xanh… các chuyến bay vẫn chối từ những cái tên này. Ảnh: Eat Sip Trip.
Đậu phộng: Là thức ăn nhẹ khá phổ biến, song nhiều hãng hàng không đã dần loại đậu phộng ra khỏi thực đơn của mình vì không muốn gặp rủi ro. Với các hành khách bị dị ứng đậu phộng, nhất là trẻ em, món ăn này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy tỷ lệ trẻ em dị ứng đậu phộng tăng đến 21% trong gần 10 năm trở lại đây. Ảnh: Healthy Women.
Bánh mì nướng: Những lát bánh mì nướng nóng giòn, thơm phức là lựa chọn đơn giản cho một bữa ăn, song lại làm “đau đầu” nhiều hãng bay. Sử dụng các nguồn nhiệt để nướng bánh mì có thể kích hoạt hệ thống báo cháy trên máy bay, đe dọa an toàn bay. Vì thế, bạn hãy vui lòng sử dụng các loại bánh mì đóng gói sẵn để thay thế món ăn này. Ảnh: Pexels.
Bánh souffle: Nổi danh toàn thế giới, món bánh ngọt tinh tế với các thành phần như trứng, bột mì, bơ… này quyến rũ nhiều người sành ăn. Không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao của người chế biến, bánh souffle với độ phồng, xốp đặc trưng lại rất nhanh xẹp xuống, nên không dễ để phục vụ món. Trong khi đó, thức ăn trên các chuyến bay thường chuẩn bị trước khoảng 12-24 giờ, được hâm nóng lại khi hành khách thưởng thức. Do vậy, tốt hơn hết, bạn nên thưởng thức món bánh này khi máy bay… chưa cất cánh. Ảnh: Mon Petit Four.
Sầu riêng: Là một trong những loại trái cây khiến thế giới chia thành “2 chiến tuyến” và tranh cãi quyết liệt, sầu riêng có thể là món khoái khẩu với một số người, song cũng là món kinh tởm với những người còn lại. Mùi hương quá mạnh, quá đặc trưng của sầu riêng là lý do chính khiến món ăn này bị gạch tên khỏi các thực đơn trên chuyến bay. Ảnh: The Jakarta Post.
Song Phúc
Theo Insider
Theo Zing