Quán hủ tiếu có thâm niên được chế biến công phu ở Sài Gòn

Du khách đến Sài Gòn mà không thưởng thức hủ tiếu thì quả là một thiếu sót lớn. Nhiều quán hủ tiếu ở đây đã có thâm niên, làm nên thương hiệu ẩm thực của thành phố sầm uất này.

Hủ tiếu Tô Ký

Thực khách lần đầu đến quán nằm phía sau chợ Lớn, quận 5 sẽ tò mò với món ăn được ghi trên tấm bảng: hủ tiếu sa tế nai. Nếu hủ tiếu thường thấy ở Sài Gòn được ăn kèm với giá hoặc hẹ thì quán này chọn dưa leo. Chủ hàng sử dụng thịt nai, không phải heo hay gà. Bên trong tô thập cẩm còn có thêm vài miếng lá lách bò, ăn dai dai vui miệng.

Nước trong tô hủ tiếu không hầm từ xương hay có độ lỏng và trong như thường thấy mà được nấu từ công thức gia truyền, cho ra thứ nước sốt có màu vàng sóng sánh. Chủ quán cho biết, nước sốt này được làm từ hơn 20 loại gia vị khác nhau, trong đó có 10 vị thuốc Bắc.

Quán hủ tiếu có thâm niên được chế biến công phu ở Sài Gòn

Món ăn bưng ra tỏa mùi thơm nức mũi. Bạn sẽ thấy thòm thèm bởi màu sắc của nước sốt sền sệt, bên trên là ít hành ngò xắt nhuyễn, nhấn nhá thêm gần chục miếng thịt nai còn ửng hồng.

Hủ tiếu Lâm Phát Ký

Quán nhỏ nằm trên đường Lê Quang Sung, quận 6 cũng là địa chỉ chuyên các món hủ tiếu sa tế nai. Hương vị khác lạ, đậm đà được tạo nên bởi nước lèo sệt.

Địa chỉ này dùng đậu phộng xay cùng tương đen làm nguyên liệu chính tạo nên thứ nước lèo được nhiều khách đánh giá là hòa quyện. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận vị béo bùi của đậu phộng, một chút mặn mòi của tương. Vị giác của bạn sẽ được đẩy lên cao bởi điểm nhấn không thể thiếu đó là sa tế.

Quán bán hai loại hủ tiếu mềm và dai. Khách chọn tùy theo sở thích. Suất ăn ở đây đầy đặn với lớp thịt nai xếp dày bên trên. Bên trong món ăn còn tóp mỡ giòn béo.

Hủ tiếu Quảng Ký

Nằm ngay trung tâm quận 5, hủ tiếu Quảng Ký nổi tiếng với nhiều người Sài Gòn, nhất là thế hệ trung niên. Tô hủ tiếu sa tế ở đây có giá gần như đắt nhất khu chợ Lớn – 70.000 đồng, vậy mà đã hơn 50 năm qua, quán không lúc nào ngớt khách. Sợi hủ tiếu ở đây mềm như sợi mì, được trụng sơ qua nước sôi trước khi cho vào tô. Nước sốt sệt sệt, bên trong có đậu phộng xay nhuyễn mang hương vị bùi bùi, béo béo, được chan lên trên cùng với thịt bò thái mỏng tái chín hay bò viên, sách bò… Quán nằm ngay lề đường Triệu Quang Phục, quận 5, bán từ 4h chiều đến 10h tối.

Xe hủ tiếu Giang Lâm Ký

Giang Lâm Ký là tên xe hủ tiếu đã theo 3 thế hệ gia đình họ Giang gốc Quảng Đông hơn 70 năm qua. Đây là một trong số ít xe hủ tiếu còn giữ cách trang trí kiểu Hoa, có mái hoa văn, hai bên thân chạm khắc theo điển tích Trung Hoa, và tấm cánh gà nguyên bản.

Tuy đã đổi tên quán thành “Mì Chú Cẩu” nhiều năm nay, quán vẫn được nhiều thực khách tìm đến. Nhiều khi đông khách, quán hết chỗ nhưng mọi người luôn vui vẻ chờ đợi chủ quán xếp ra chỗ mới. Quán mở cửa mỗi ngày từ 6h sáng đến 2h chiều. Mỗi tô hủ tiếu, mì có giá trung bình 30.000 – 35.000 đồng.

Hủ tíu mì Thiệu Ký

Quán hủ tiếu có thâm niên được chế biến công phu ở Sài Gòn

Xe mì Thiệu Ký đã có 70 năm tuổi đời, yên vị trong hẻm 66 Lê Đại Hành. Các thế hệ trong gia đình vẫn giữ nguyên thói quen làm sợi mì, hủ tiếu riêng cho quán mình. Một quy trình khép kính từ 2h chiều đến 5-6h tối. Sợi mì được làm theo một bí quyết riêng: bột mì trộn cùng trứng vịt và nước tro tàu, ủ một thời gian rồi mới mang đi cán và cắt sợi. Hủ tiếu thập cẩm có lòng, sườn heo và mì khô dầu hào là hai món được ưa thích nhất ở Thiệu Ký. Quán bán từ 7h sáng đến 1h đêm, giá một tô từ 28.000 đồng, tùy loại.

Hủ tiếu Quốc Ký

Quán Quốc Ký nằm ở mặt tiền đường Ký Con, quận 1. Trước năm 1990, chủ quán, người gốc Hoa sống lâu năm ở Sài Gòn, đẩy xe bán quanh khu vực quận 1. Sau đó, gia đình mở tiệm ở mặt tiền đường Ngô Đức Kế nhiều năm. Vài năm gần đây, quán chuyển sang vị trí hiện tại.

Thực khách ghé địa chỉ này có thể gọi món hủ tiếu, phở ăn với bò viên hoặc sa tế tái. Món ăn có nước lèo nấu từ đậu phộng, sền sệt và đậm đà. Quán cũng dùng dưa leo ăn kèm chứ không phải giá hay các loại rau thường thấy. Mỗi tô có giá 70.000 đồng.

Theo Người lao động

Author:

Gửi phản hồi