Năm 2019 cúng ông Công ông Táo vào ngày giờ nào cho đúng?

Do ngày 23 tháng Chạp năm nay không rơi vào cuối tuần nên nhiều người thắc mắc không biết cúng ngày giờ nào là phù hợp.

Chọn ngày giờ cho phù hợp

Theo TS.Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người việt chuyển hóa sự tích hai ông một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.

Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.

Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết tất cả mọi chuyện tốt xấu của mọi người, nên để cho vua bếp phù hộ cho gia đình sang năm mới gặp được nhiều điều may mắn, người Việt đã làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng.

Năm 2019 cúng ông Công ông Táo vào ngày giờ nào cho đúng?

Theo quan niệm dân gian Lễ cúng ông Táo đẹp nhất là tối ngày 22 và sáng ngày 23 tháng Chạp.

Táo Quân có vai trò ngăn chặn xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Cũng theo, để tỏ lòng biết ơn, người dân sắm  lễ vật cúng Táo Quân gồm có: mũ ông công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà).

Bên cạnh đó, người Việt bày mâm cỗ mặn, bánh kẹo, rượu, trầu cau, hoa quả, quần áo vàng mã… đặc biệt, không thể thiếu cá chép. Bởi cá chép là một phương tiện để ông Công ông Táo cưỡi, bay về trời báo cáo công việc trong gia đình của một năm cũ vào ngày 23 tháng Chạp.

Sau khi báo cáo, đến đêm Giao thừa, Táo quân lại trở về trần gian để trông coi việc bếp lửa của mỗi nhà.

Hiện nay các gia đình chủ yếu vẫn thắp hương ở ban thờ thần linh và gia tiên chứ không cúng lễ ở bếp, bởi họ quan niệm ban thờ chính là sợi dây kết nối giữa hai thế giới trần thế và thần linh.

Sau khi bày lễ, thắp hương khấn vái, thắp hai tuần hương rồi lễ tạ hóa vàng mã, mang cá chép đến thả ở ao hồ, sông, suối…

Chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển cho biết, theo quan niệm dân gian Lễ cúng ông Táo đẹp nhất là tối ngày 22 và sáng ngày 23 tháng Chạp, cần được thực hiện từ 11 giờ – 13 giờ là giờ Ngọ và đây thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị về trời.

Tuy nhiên, hiện nay do ngày 23 tháng Chạp có khi vào đúng ngày gia đình đi làm hết không kịp chuẩn bị thì giờ chuẩn nhất để cúng ông Công ông Táo là từ 7h sáng đến 21h tối ngày 22 tháng Chạp.

“Không nhất thiết phải cúng ông Công, ông Táo vào lúc giữa trưa, mà có thể cúng vào bất kỳ lúc nào thuận tiện và được trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian, công việc của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp”, chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển cho hay.

Ngoài ra, nếu gia chủ vì vướng bận công việc quan trọng thì cũng nên hoàn thành việc cúng ông Công ông Táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Nếu cúng muộn quá, ông Công ông Táo sẽ không kịp giờ để các thần lên thiên đình.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo gồm những gì?

Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển, thông thường vào ngày này, mọi người cúng cỗ mặn. Mâm cỗ mặn cúng ông Táo thường bao gồm:

– 1 đĩa gạo; 1 đĩa muối; 5 lạng thịt vai luộc; 1 bát canh mọc; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò; 1 đĩa xôi gấc; 1 đĩa chè kho; 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen; 1 quả bưởi.

– 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống); 3 chén rượu; 1 quả cau, lá trầu; 1 lọ hoa đào nhỏ; 1 lọ hoa cúc; 1 tập giấy tiền, vàng mã.

Ngoài ra, có thể thay thịt vai luộc bằng một con gà luộc ngậm hoa hồng hoặc chủ động thay đổi các món canh như canh măng, canh mọc, canh bóng…

Theo 24h

Author: