Bún chả, bánh xèo, cao lầu hay bia hơi là những đồ ăn thức uống làm say lòng đôi vợ chồng phượt thủ trên chặng đường khám phá Việt Nam.
Vợ chồng Dan và Casey là chủ nhân của của blog du lịch khá đình đám. Ngoài những chia sẻ trên trang cá nhân, họ còn thường xuyên đóng góp bài viết cho các trang web du lịch nổi tiếng như CNN, National Geoghraphic, Travel and Escape… Trên hành trình đi qua nhiều miền đất, hai vợ chồng đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp rất đáng nhớ và thưởng thức rất nhiều món ăn ngon suốt dọc chiều dài đất nước.
Dưới đây là tư vấn đề ẩm thực Việt Nam được Dan và Casey đăng tải trên trang web của mình:
“Không cần lý do nào khác, chỉ cần đi thưởng thức các món ăn ngon ở Việt Nam đã là lý do quá đủ để bạn tới đất nước này. Tươi ngon, không dầu mỡ, mang đậm bản sắc truyền thống với các công thức chế biến sáng tạo là mô tả chính xác nhất về các món ăn Việt Nam.
Bạn có thể ăn hàng ở vỉa hè với chất lượng không thua kém nhà hàng sang trọng với giá chỉ từ một USD. Hãy nhớ hỏi giá trước khi ăn bởi chủ hàng có thể sẽ đưa ra giá tiền riêng dành cho người nước ngoài, cao hơn với dân bản xứ.
1. Phở
Phở là món ăn nổi tiếng nhất Việt Nam và có mặt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Sợi phở được cán mỏng, nước dùng nóng, ăn kèm với vài lát thịt bò hoặc thịt gà cùng một số loại rau gia vị, tạo ra món ăn rất ngon miệng.
Mặc dù phở có bắt nguồn từ miền Bắc nhưng ở bất cứ tỉnh thành nào chúng tôi đi qua cũng có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này. Chúng tôi đã ăn nhiều hơn một bát vì hương vị của nó rất tuyệt. Người dân bản xứ thường ăn sáng còn chúng tôi thì hay ăn vào buổi trưa, đôi khi là tối. Có điều, các cửa hàng phở ngon trong thành phố thường đóng cửa trước 11h đêm.
2. Bánh mì
Trong vài năm gần đây, bánh mì trở nên rất nổi tiếng. Đây là một món ăn có xuất xứ từ nước Pháp nhưng với phần nhân rất sáng tạo, rất Việt Nam. Người Việt ăn bánh mì trong bữa sáng và chúng tôi cũng vậy. Trong suốt 7 ngày đạp xe ở đây, có tới 6 ngày chúng tôi lót dạ bữa sáng bằng bánh mỳ và thực sự rất hài lòng.
Người bán hàng thường cho thêm phô mai hoặc bơ, pa tê gan, thịt lợn, rau sống, dưa góp cùng các loại nước sốt và gói trong những tờ giấy vở của các em nhỏ. Thực sự rất thú vị.
3. Bún bò Huế
Giống như cái tên của nó, bún bò Huế có xuất xứ từ thành phố Huế – cố đô của Việt Nam. Món ăn này có sợi bún to, ăn cùng thịt bò, tiết, móng giò. Nếu sành ăn, bạn sẽ nhận ra rằng sả là gia vị quan trọng nhất để tạo nên món ăn này. Trước khi ăn, bạn nên bắt chước dân bản địa vắt thêm chanh và cho vài lát ớt vào bát. Món ăn này được bán ở nhiều nơi nhưng ngon nhất vẫn ở Huế và vùng lân cận.
4. Cơm
Cơm là món ăn hàng ngày trong gia đình Việt Nam, cũng giống như nhiều quốc gia châu Á khác. Từ các khu chợ bình dân cho tới nhà hàng khách sạn hay bếp ăn gia đình, bạn đều có thể thấy người Việt ăn cơm. Đặc biệt với các quán cơm bình dân, bạn sẽ đi qua một bàn thức ăn như tiệc buffet với rất nhiều món ăn mặn. Sau khi lấy cơm, bạn sẽ chọn các món ăn kèm sau đó chủ quán sẽ tính tiền dựa theo giá cả của các nguyên liệu.
5. Bún chả
>
Để tìm được quán bún chả ưng ý, trước đó, chúng tôi đã bị “chặt chém” ở một vài quán khác và cảm thấy khá bực bội. Tuy nhiên, khi tìm được đúng địa chỉ thì hai vợ chồng cảm thấy con đường chông gai đó thực sự rất xứng đáng. Đây là món ăn chúng tôi thích nhất ở Việt Nam. Nó có xuất xứ từ Hà Nội với thịt lợn nướng, bún, rau sống và nước chấm chua ngọt.
6. Bánh xèo
Bánh xèo gần giống như bánh crepe ở phương Tây nhưng vỏ bánh giòn hơn do được rán nhanh qua chảo nóng. Bạn sẽ bị thu hút bởi người đầu bếp quán ven đường, nhanh tay đổ những chảo bánh vàng ươm, rắc tôm, thịt lợn, thịt bò, giá đỗ lên một nửa chiếc bánh, sau đó gập bên còn lại vào. Tôi đã học được cách ăn của người dân địa phương, đó là cuốn chúng với bánh tráng, rau sống rồi chấm với nước chấm.
7. Gỏi cuốn
Ở miền Bắc, người ta gọi món ăn này là nem cuốn còn miền Nam lại gọi là gỏi cuốn. Bạn nên phân biệt với món nem rán có tên gọi tương tự. Nem cuốn (hay gỏi cuốn) được gói trong một lớp bánh đa nem, bên trong có bún, thịt, tôm và rau xanh rồi chấm cùng nước chấm chua ngọt. Món ăn này thực sự rất dễ ăn vì thanh mát.
8. Bánh cuốn
Đây là món đặc sản ở miền Bắc. Bánh cuốn được làm từ bột gạo, cán mỏng trên một miếng vải tròn trên một nồi nước sôi. Người bán hàng nhanh tay tráng bánh, rắc thịt và mộc nhĩ rồi cuộn thành từng miếng bánh mỏng. Bánh cuốn cũng ăn cùng nước chấm chua ngọt, nhạt hơn nước chấm bún chả một chút.
9. Cao lầu
Chúng tôi thưởng thức cao lầu ở Hội An sau khi vào mua sắm ở một cửa hàng bán lụa. Hương vị của nó rất ngon; sau khi trở về, chúng tôi đã học cách làm món ăn này theo cách của mình. Sau khi may đồ ở cửa hàng đó, mẹ của người thợ may đã mời chúng tôi ăn thử món cao lầu do chính tay bà làm với hương vị thực sự rất ngon. Món ăn được làm từ sợi mỳ màu vàng, to dẹt, thịt lợn thái mỏng, bì chiên, rau sống, giá đỗ…
10. Sinh tố
Chúng tôi thực sự bị ám ảnh với món sinh tố. Đây thực sự là smoothies phiên bản Việt, người bán hàng đôi khi sẽ cho thêm kem, siro đường, sữa đặc, bên cạnh nước ép trái cây. Sinh tố bơ là đặc sản bất kỳ du khách nào cũng không nên bỏ qua.
11. Cà phê
Một trong những từ tiếng Việt dễ học nhất chính là cà phê. Ở Việt Nam, cà phê được dùng trong một dụng cụ bằng sắt, gọi là phin. Họ thường uống chung với sữa đặc và đá với tên gọi “nâu đá” bởi màu sắc của nó. Nếu đến Hà Nội, bạn nhất định phải thử cà phê trứng được chế biến cùng trứng sống. Thưởng thức cà phê là nét văn hóa dễ nhận thấy của người dân Việt Nam.
12. Bia hơi
Việt Nam có một nền văn hóa uống rượu bia. Rất dễ tìm những quán bia vỉa hè mở cửa tới tối khuya với đông đảo những người đàn ông, những bạn trẻ ở bất kỳ thành phố nào. Thay vì uống bia chai của các hãng thế giới hay nội địa, chúng tôi rất hứng thú với bia hơi, một loại bia được lấy trực tiếp từ vòi với giá rất rẻ. Nồng độ của nó rất nhẹ, uống mát và được ăn kèm cùng đồ nhắm.
Nguyên Chi (Theo Acruisingcouple)
Nguồn bài viết: Báo NgoiSao.NET