Ngót nghét nửa thế kỷ, quang gánh của ‘bà ngoại’ vẫn yên vị ở một góc vỉa hè, giữa thành phố nhộn nhịp. Bánh bèo, bánh đúc, bánh ít trần… ngon nức tiếng khiến người Sài Gòn ăn đến mấy đời!
Bà Cai vẫn minh mẫn bên gánh bánh gần nửa thế kỷ ở Sài Gòn – HOÀI NHÂN
‘Bà ngoại’ không nỡ bỏ gánh bánh gần nửa thế kỷ
- “Ngoại ngoại, cho con một dĩa thập cẩm không bỏ gì hết”.
-
“Không bỏ gì hết rồi mầy ăn cái dĩa hả mậy”.
-
“Ý con là ngoại để đầy đủ, không cần bỏ cái gì ra hết. Tại ngoại làm cái gì cũng ngon”.
Một buổi sáng ở góc vỉa hè thành phố bắt đầu bằng những cuộc bán mua bình dị như thế. “Bà ngoại” ngồi bên quang gánh, từ tốn gắp từng miếng bánh bỏ vào dĩa. Các “cháu” ngồi háo hức chờ đợi, gọi mấy tiếng “ngoại” ngọt xớt! Mà như bà cụ nói thì “ở đâu ra mà tui nhiều con cháu vậy không biết”!
Bà Cai năm nay đã 82 tuổi, vẫn thức khuya dậy sớm nấu từng mẻ bánh thơm ngon. Người ta vẫn quen gọi là “bánh bèo bà ngoại” – HOÀI NHÂN
Gian bếp của bà Cai đơn sơ, nằm trước căn phòng trọ nhỏ trong con hẻm – HOÀI NHÂN
Từ nghề làm bánh bèo của mẹ, bà mày mò làm thêm bánh đúc, bánh ít trần – HOÀI NHÂN
Bà Lê Thị Cai năm nay đã 82 tuổi, còn gánh bánh đầu con hẻm 35 (đường Bình Lợi, Q.Bình Thạnh) của bà đã ngót nghét nửa thế kỷ. Bà bán bánh bèo, bánh đúc, bánh ít trần nức tiếng. Có người ăn từ đời mình, xong sinh con đẻ cái dắt lại, thấy bà vẫn ngồi khỏe re!
Ngoại gốc Sài Gòn. Đâu khoảng năm 60, má làm bánh bèo để bỏ mối, ngoại chỉ phụ thôi. Đến khoảng năm 70, ngoại mới dọn đồ đạc ra vỉa hè ngồi, bán thêm bánh đúc, bánh ít trần. Ngồi riết mà ba má mất, chồng mất, cháu con ngoại bự chảng hết rồi mà ngoại vẫn còn ngồi”, bà Cai vừa kể vừa cười móm mém.
Bà cũng nói, hồi xưa bà khổ lắm, có dãy nhà của bên chồng để lại ở ngoài đầu hẻm cũng phải bán hết. Rồi một tay bà nuôi đến 6 người con. Giờ ai cũng ổn định, có gia đình nên ra riêng, trừ cậu con trai thứ năm chưa vợ thì ở chung nhà phụ bà.
“Tụi nó đòi rước ngoại về hoài, la ngoại lớn tuổi rồi mà bán bưng chi nữa! Mà ngoại hẹn, nói “thôi hết năm nay đã, năm sau tao về”, cứ vậy mà năm nào cũng hẹn. Ngoại bỏ không có được, không bán ngày nào là tay chân cứ khó chịu dữ lắm. Tự dưng cái nghề mấy chục năm, nghỉ ngang ngoại không đành”, bà nói.
Con cái bảo rước về nhà, mà bà lần lữa vì bỏ nghề không đành – HOÀI NHÂN
Bánh đúc khiến nhiều người mê mẩn – HOÀI NHÂN
Mỗi phần “thập cẩm” chỉ có giá 12.000 đồng, gồm 5 cái bánh bèo, 2 cái bánh đúc, 2 cái bánh ít trần – HOÀI NHÂN
Nguyên liệu gồm: đậu xanh, tôm giã nhuyễn, sắn, mỡ hành,… – HOÀI NHÂN
Bắt đầu một ngày, bà lục đục chuẩn bị từ sáng tới tối, để hôm sau ra bán. Cứ vậy, một ngày bà ra bán, thì một ngày phải nghỉ để làm bánh. Buổi sáng làm bánh bèo, dùng tới 5 kg bột, đổ ra khoảng 15 kg bánh. Khoảng 4 giờ chiều, bà làm tiếp các loại bánh kia, mỗi loại dùng hơn 2 kg bột, cho ra khoảng 400 cái bánh đúc, bánh ít trần.
“Làm tới 11, 12 giờ đêm mới xong. Hôm sau bán thì 2 giờ rưỡi sáng ngoại dậy rồi. Có bữa ngoại còn làm bỏ mối cho người ta hơn 40 kg bánh, cho trường học hoặc chùa đến lấy. Hễ bỏ mối nhiều quá thì ngoại không kịp làm bán, mà hễ nghỉ bữa nào là người ta điện hỏi ngoại um sùm hà”, bà nói.
Tờ mờ sáng, người ăn đã tấp nập bên quang gánh của ngoại – HOÀI NHÂN
Người mua 4, 5 hộp mang đi – HOÀI NHÂN
Người ngồi ăn tại chỗ – HOÀI NHÂN
Có người mê vị bánh bèo của ngoại đã mấy chục năm – HOÀI NHÂN
Vừa ăn vừa nghe ‘ngoại’ kể chuyện xưa
Sáng, 4 giờ là bà và con trai lục đục dọn ra. 5 giờ đã lác đác có khách tìm đến ăn. Một cô con gái của bà cũng ghé phụ vì sợ bà làm không xuể. Trời hừng nắng, xe tấp vô nườm nượp, người mua về, người ngồi ghế ăn luôn tại gánh.
“Mình ở cuối đường này, làm ở trong trung tâm nên ngày nào cũng đi ngang đây. Một tuần mình ghé ăn mấy hôm, hễ ngoại ra bán là ăn. Cứ ngồi ghế, tay cầm dĩa bánh, không cần bàn làm chi. Ngồi được nghe ngoại kể chuyện xưa nữa. Cái cảm giác dân dã giữa Sài Gòn thích lắm!”, chị Lê Thị Mai (41 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) vừa ngồi ăn vừa tấm tắc.
Còn chị Lưu Ngọc Thảo (29 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp), sau khi vội vàng tấp xe vào mua hẳn 5 hộp, thì tranh thủ chia sẻ: “Bột bánh vừa đủ dai, vừa đủ béo. Mình thích nhất là bánh ít trần vì nhân rất thơm. Mình thường gọi bánh ít trần ăn riêng chứ không ăn đủ thứ. Nay vội quá nên mua mang đi, mua luôn 5 hộp giùm các bạn trong cơ quan vì họ ăn một lần thấy ngon quá nên đặt hoài. Bánh ngoại làm thì khỏi chê”.
Vị bánh gần nửa thế kỷ vẫn không thay đổi – HOÀI NHÂN
Ai cũng gọi “ngoại” nghe mà thân thương – HOÀI NHÂN
Giữa thành phố nhộn nhịp, nhiều người vẫn thích cảm giác ngồi bên quang gánh bình dân nơi vỉa hè – HOÀI NHÂN
Ngoại tranh thủ ăn miếng xôi, kể chuyện xưa khi ngớt khách – HOÀI NHÂN
Cứ vậy mà gần 50 năm, gánh bánh của ngoại vẫn “mê hoặc” người Sài Gòn. Các “cháu” cứ tò mò hỏi có bí quyết làm bánh gì không? Bà lắc đầu cười hiền: “Có cái gì đâu. Tụi bây thương ngoại già cả thì ăn, chứ ngoại làm bánh bình thường như người ta. Cũng nhiêu đó bột, nhiêu đó đậu, tôm, mỡ hành… À, có cái khác là ngoại không bỏ cái gì bậy bạ vô. Bây ăn lỡ có gì dí ngoại chạy không kịp sao, chạy gì nổi”.
“Ngoại nói là nói vậy, chứ “trăm hay không bằng tay quen”. Bánh ngoại ngon là tại ngoại làm mấy chục năm rồi, kinh nghiệm đầy mình chứ sao! Có phải con thấy ngon không đâu, giờ tới con của con, ẵm luôn cháu của con ra ăn, nó còn thấy ngon mà”, ông Trần Trung Đức (55 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) “cãi”.
Quang gánh của bà đã gắn bó với nhiều thế hệ người Sài Gòn- HOÀI NHÂN
Tự dưng giữa thành phố nhộn nhịp, lại có quang gánh nép mình ở một góc vỉa hè tận nửa thế kỷ! Tự dưng ở đâu xa lạ, người ta lại đến đây rồi “con con, ngoại ngoại” ngon ơ. Tự dưng giữa cuộc sống bộn bề, người ta lại thấy vui bởi những điều bình dị như thế!
Theo Thanh niên online