Quán canh bún nho nhỏ nằm trên một con đường nhộn nhịp đã níu chân thực khách Sài Gòn suốt 26 năm nhờ hương vị đậm đà đúng chuẩn, chỉ cần ăn một tô là no căng bụng mà giá chỉ 15.000 đồng.
Một tô canh bún chỉ có giá 15.000 đồng, không có phần nhỏ, phần lớn hay phần đặc biệt – LÊ HỒNG HẠNH
Quán canh bún Thiên Thanh (số 232 Bắc Hải, P.8, Q.Tân Bình, TP HCM) nằm trên đoạn đường nhộn nhịp và lắm xe cộ qua lại. Khách quen của quán, dù trời mưa hay nắng, cũng lặn lội đến quán chỉ để thưởng thức món ăn mộc mạc này.
Bà Nguyễn Thị Liên (53 tuổi, chủ quán) chia sẻ: “Quán này chị được chị chồng truyền lại cho, quán ở địa chỉ này cũng được 26 năm rồi. Chị là người miền Nam nhưng gia đình chồng là người Bắc nên nấu canh bún theo hương vị của miền Bắc”.
Là món ăn đơn giản, canh bún không kén thực khách. Anh Quân (28 tuổi, nhà ở quận 3, TP.HCM) cho biết: “Anh bắt đầu ăn canh bún ở đây cũng được ba tháng rồi, một tuần anh ghé hai đến ba ngày tại chỗ làm cũng gần đây. Nói chung là ghé hoài à. Anh ăn cũng nhiều quán khác rồi mà thấy không giống ở đây, hợp khẩu vị nên anh ăn thường xuyên”.
Quán canh bún mở cửa từ 11 giờ đến 17 giờ mỗi ngày. Vì mở hàng đúng giờ ăn trưa nên đây cũng là giờ cao điểm khách ra vào tấp nập nhất. Những ngày đông khách, chị Liên phải kêu thêm người phụ việc vì không kịp trở tay và không muốn để khách phải đợi lâu.
Ông Phạm Văn Thu (55 tuổi, chồng bà Liên) tâm sự: “Buổi trưa thường là buổi đông khách nhất nên anh chạy bàn phụ vợ buôn bán. Có ngày chạy qua chạy lại không nghỉ tay được chút nào”.
Một tô chỉ có giá 15.000 đồng, không có phần nhỏ phần lớn hay phần đặc biệt nhưng đầy ú ụ và trông vô cùng bắt mắt. Nước hầm có màu cam đặc trưng của gạch cua đồng, sợi bún bự hơn so với bún dùng cho món bún bò, mềm dai và rất dễ nuốt. Nước hầm vị đậm đà vừa phải, cua đồng thơm và béo.
Đặc biệt, khi nói đến canh bún là không ăn kèm với rau sống hay giá thường thấy mà được dùng chung với rau muống luộc. Ngoài ra còn có rau hẹ và bánh đa để ăn kèm theo, tùy khẩu vị của từng người.
“Canh bún gồm có đậu phụ, chả cá, huyết heo, cua đồng và rau muống. Nấu thì mình nấu bình thường thôi, rau muống thì mình rửa sạch để nguyên chỉ cắt nhỏ ra rồi luộc. Rau mình luộc với muối thì nó mới giữ được màu xanh lâu. Mỗi ngày thì bán cũng được mấy chục tô”, chị Liên chia sẻ thêm.
Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng nếu không để ý và không có tay nghề thì món canh bún nấu ra sẽ rất dễ mất đi mùi vị đặc trưng. Nước hầm sôi thì mới thì mới cho bún vào đúng lúc để bún mềm và thấm, nhưng cũng không lâu quá nếu không sợi bún sẽ bị nát và không ngon.
“Thường thì chị ăn những món như hủ tiếu hay bánh canh thì ăn một ngày rồi nghỉ mấy ngày sau mới ăn lại. Chắc tại canh bún quán chị Liên dễ ăn nên duy chỉ có món này là chị có thể ăn nhiều ngày liền mà không bị ngán. Ăn canh bún là phải ăn đầy đủ vị mới ngon, phải cho nước mắm, ớt tươi, ớt khô, mắm tôm một thứ một ít vào mới đúng vị”, chị Tạ Thị Hồng Nga (31 tuổi) cho biết.
Nhiều người thường lẫn lộn giữa món bún riêu với canh bún bởi nguyên liệu nấu khá giống nhau nhưng chỉ cần nếm thử qua một lần là thực khách có thể nhận thấy sự khác biệt ngay. Hương vị mộc mạc nhưng đậm đà, quán canh bún tuy đơn giản nhưng chưa bao giờ làm mất lòng thực khách trong suốt 26 năm.
Theo Thanh niên online