Các món ăn sau trong những ngày Tết có tác dụng điều hòa âm dương, bồi bổ khí huyết, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.
Các món ăn này được phối ngũ một cách độc đáo, góp phần vào mâm cỗ ngày Tết với nhiều món khác đem lại sự ngon miệng cùng với bổ dưỡng, tăng cường sức khỏe cho mọi người vào dịp Xuân về.
Măng ninh với chân giò heo
Măng còn được gọi là “trúc duẩn”, vị ngọt, hơi đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng điều hòa tỳ vị; thanh nhiệt, giáng hỏa, tiêu đờm; trị chứng khí nghịch, gây nôn ọe, ho nhiều đờm, măng có nhiều chất xơ làm giảm hấp thu cholesterol vào máu giúp giảm cân, tốt cho tim mạch và nhuận tràng.
Chân giò heo còn gọi là “trư đề”, rất giàu dinh dưỡng, chứa calcium, sắt và nhiều vitamin có tác dụng bổ máu, thông sữa, bổ thận, bổ tỳ vị, giải nhiệt. Ăn giò heo làm đẹp da nhờ lượng collagen trong giò heo giúp da bóng căng, đỡ bị khô nhăn; phục hồi sức khỏe sau mổ, bệnh nặng. Chân giò heo còn có tác dụng chữa suy nhược thần kinh, trầm cảm. Cả 2 món đó được ninh nhừ vừa bổ dưỡng, ngon miệng, dễ tiêu, trừ đờm.
Dưa hành
Hành còn được gọi là “thông bạch”, vị cay nóng, thông dương khí, thải uế khí, giải độc, lưu thông khí huyết và kinh lạc, làm ấm tỳ vị. Hành có dụng giảm đau các khớp khi trời trở lạnh. Trong hành có “ insulin thảo mộc” giúp hạ đường huyết rất tốt. Nó còn có tác dụng tiêu hóa chất mỡ, nên có câu “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” của ông cha ta từ xưa khi nói đến Tết.
Vịt tiềm thuốc Bắc
Người dân Sài Gòn và miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ vẫn thường ăn món này hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Nhiều địa phương vùng Nam Trung bộ không thể thiếu món này vào dịp Tết. Thịt vịt tính hàn, vị ngọt, hơi mặn, có tác dụng điều hòa ngũ tạng, lợi thủy, trừ nhiệt, bổ hư, tư âm, dưỡng vị, sinh tân dịch, trấn định tâm thần. Hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch, lao phổi và ung thư. Có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, phù nề, người thể chất yếu sau khi bệnh, đổ mồ hôi ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ có kinh nguyệt ít, khí hư huyết trắng, sản phụ thiếu sữa.Vịt được hầm với 6 vị thuốc Bắc gồm: đảng sâm (bổ khí), kỷ tử (bổ thận), liên nhục và hoài sơn (bổ thận và bổ tỳ vị), ý dĩ và đại táo (bổ tỳ vị). Đây là món ăn rất bổ dưỡng, lại có ý nghĩa mang lộc đầu năm cho gia chủ.
Bánh chưng xanh
Trong bánh chưng có gạo nếp, còn gọi là “đạo mễ”, “nhu mễ”, vị ngọt tính ấm, mềm dẻo, mùi thơm. Có tác dụng ích thận khí, bổ gan, làm cho gan mật lưu thông, tỳ vị mạnh lên để nuôi dưỡng toàn thân và làm mạnh gân cốt. Đậu xanh có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ tỳ vị tim gan, giải các độc chất trong thức ăn. Thịt heo, còn gọi là “trư nhục”, vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ thận tráng dương, phần mỡ có tác dụng hấp thu và đào thải rượu. Hạt tiêu vị cay, tính ôn, làm ấm tỳ vị, kích thích tiêu hóa, giáng khí trừ đờm, trị chứng đau bụng do hàn tích vào không tiêu hóa. Tất cả được gói trong lá dong màu xanh.
Theo 24h