"Bỏ túi" món ăn giải rượu khi du xuân Tây Bắc

Món ăn mà nhiều người miền xuôi lần đầu chứng kiến quá trình chế biến không khỏi sợ hãi lại chính là món ăn độc đáo, đặc sản của người Thái Con Cuông – món nậm pịa. Không chỉ được biết đến là món ăn ngon, nậm pịa còn có rất nhiều công dụng trong đó, nhiều người sử dụng nó để giải rượu rất tốt.

Trong gia đình người Thái, món ăn này khá phổ biến và được dùng trong các dịp lễ tết, có công việc trọng đại của gia đình để thiết đãi bạn bè, khách quý. Cái tên nậm pịa theo dịch nghĩa tiếng Thái thì “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là phần dịch (phân non) nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già.

"Bỏ túi" món ăn giải rượu khi du xuân Tây Bắc

Nậm pịa món ăn giải rượu. Ảnh: LĐ

Theo báo Lao Động, anh Vi Văn Hùng (bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) cho biết: “Món này không phải lúc nào cũng được ăn. Hôm nay, gia đình có công việc trọng đại nên mới thịt dê để làm món nậm pịa thết đãi khách quý. Để làm được món ăn này cũng phải cầu kỳ, công phu lắm và cần đến nhiều gia vị…”.

Qua tìm hiểu được biết, để làm món nậm pịa, bà con dân tộc ở đây chỉ lấy pịa ở những con vật ăn cỏ, ăn lộc non như: Trâu, bò, dê và cách lấy pịa cũng phải công phu, khéo léo. Theo đó, pịa được lấy ra ngay khi bộ lòng được mang ra khỏi bụng con vật và được bảo quản cẩn thận. Phần ruột non phải dùng lạt thắt chặt hai đầu ngăn cách với ruột già và dạ dày, mục đích là để chất nhũ tương trong ruột non không pha tạp.

Theo quan niệm của người Thái, chất dịch trong ruột non chính là phần tinh túy nhất khi thức ăn đã được chuyển hóa chuẩn bị ngấm qua mạch máu nuôi dưỡng cơ thể. Vì thế, nậm pịa còn được xem là món ăn bổ dưỡng của đồng bào nơi đây.

Theo đó, nước dùng của nậm pịa là xương động vật được ninh nhừ trong nhiều giờ, cho đến khi đạt độ ngọt, béo ngậy thì người nấu mới đổ tất cả những nguyên liệu thịt, sụn và lục phủ ngũ tạng vào nồi ninh. Phần ruột non sẽ được cắt khúc ngắn, trộn cùng lá rau thơm, bột mắc khén, rau mùi tầu, tỏi, ớt… tất cả đều băm nhỏ rồi đun sôi, cho tới khi trở thành một hỗn hợp sền sệt, sóng sánh.

Nếu lần đầu tiên được thưởng thức nậm pịa, chắc chắn nhiều người sẽ có cảm giác khó chịu, bởi món ăn này không hề bắt mắt và có mùi nồng của nội tạng động vật. Tuy nhiên, nếu cảm nhận kỹ thì món ăn này có hương vị rất đặc trưng, cuốn hút. Trong đó, vị đắng, thơm đặc trưng của các loại rau rừng, vị béo ngậy của nội tạng, ngọt bùi xương hòa quyện trong vị cay nồng của hạt mắc khén sẽ khiến bạn không thể quên.

Trong bữa ăn, bạn có thể chấm thịt bò, dê với nậm pịa hoặc ăn món này với cơm và các loại rau thơm.

Ở huyện miền núi Con Cuông, ngoài những món ăn quen thuộc được nhiều người biết đến như: Gà nướng, canh bồi, cá mát, thịt nướng… thì không thể không nhắc đến món nậm pịa của người Thái.

Những món ăn nhất định phải thử khi đến Tây Bắc

Đây là món ăn đặc trưng truyền thống của người Mông. Thịt nấu “thắng cố” được chế biến từ thịt bò, thịt trâu, thịt ngựa và thịt lợn. Các bộ phận như: lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương được cho vào chảo nước đun nhừ, có thể cho thêm các loại rau. Khi ăn, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó.

Đây là món ăn thường được làm vào các ngày lễ hội, lễ ăn thề bảo vệ rừng, những ngày có đông người như hội làng, dòng họ, hay ở chợ phiên.

Trâu gác bếp

"Bỏ túi" món ăn giải rượu khi du xuân Tây Bắc

Thịt trâu gác bếp có vị ngọt đậm đà được nhiều khách du lịch ưa thích.

Thịt trâu gác bếp là một những món ăn đặc trưng của người dân vùng Tây Bắc. Để làm món thịt trâu ngon, người ta phải lọc cẩn thận hết gân, lọc sạch bạc nhạc, sau đó thái miếng dọc thớ rồi ướp với hỗn hợp gia vị gồm sả, gừng, tỏi, ớt khô băm nhỏ, mắc khén giã nát rồi để khoảng 2-3 tiếng, sau đó lấy que xiên và sấy trên than củi, để xa cho thịt chín từ từ, chín đều.

Thịt được sấy cho đến khi vừa chín để không làm mất vị ngọt của thịt. Khi ăn, người ta hay cho vào chõ hấp lại khoảng 30 phút. Vị ngọt của thịt trâu đượm trong sự đậm đà của các gia vị tạo nên sức hấp dẫn cho đặc sản vùng cao.
Theo 24h

Author: