Ăn nhiều chất đường, béo, đạm động vật, nhưng ít rau xanh là nguy cơ bệnh tật
Sau Tết nhiều người đi chúc Tết, du xuân, lễ hội dẫn đến ăn uống thất thường, quá nhiều năng lượng, chế độ dinh dưỡng không hợp lý… đặc biệt với những người mắc các bệnh mạn tính nên hay bị tăng cân, mệt mỏi, thậm chí đau ốm.
Ảnh minh họa.
Thực phẩm mùa lễ hội có đặc trưng là năng lượng rất cao, nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật… và ít rau xanh – là nguyên nhân chính gây tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường… Cụ thể:
* Bánh chưng tiện, dễ ăn và có nhiều trong mùa lễ hội, ăn chơi, nhưng nó cung cấp năng lượng rất lớn. Một miếng bánh chưng nhỏ 50g cung cấp khoảng 150 kcal – bằng lưng bát cơm. Mỗi ngày chỉ cần ăn 2-3 miếng bánh chưng thì năng lượng đã tăng lên đáng kể.
Do đó trẻ em và người lớn đã có nguy cơ, hoặc đã thừa cân, béo phì mùa lễ hội, tiệc tùng cần hạn chế ăn bánh chưng.
* Bánh, kẹo, nước ngọt: Là những món giàu đường không có lợi cho sức khỏe, là nguy cơ tăng cân cao, và béo phì, tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường…
Trẻ em thích đồ ngọt, nếu để trẻ ăn nhiều bánh kẹo ngọt chúng sẽ mất cảm giác ngon miệng (nhất là khi ăn gần bữa chính), hoặc bị rối loạn tiêu hóa gây sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết, thừa cân béo phì…
Những đồ ăn nguội chân giò hun khói, giò, chả, lạp xưởng, bò khô, xúc xích, giăm bông… đều mặn, giàu chất béo nên không tốt cho trẻ em, và những người cần kiêng muối và kiêng mỡ.
Ảnh minh họa.
Hãy nấu những món ăn ít dầu mỡ, kiểm soát chế độ ăn uống cho cả nhà
Mùa lễ hội, tiệc tùng các bà nội trợ cần kiểm soát ăn uống, giữ sức khỏe cho cả nhà bằng cách duy trì đủ 3 bữa chính/ ngày, món ăn đa dạng, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối dinh dưỡng mỗi bữa ăn. Lựa chọn thực phẩm cần tươi sống, đảm bảo vệ sinh để tránh phát sinh các bệnh lý về đường tiêu hóa. Cụ thể:
* Ăn nhiều rau, hoa quả: Đây là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo mùa lễ hội, tiệc tùng. Người trưởng thành nên ăn ít nhất 5 suất rau và trái cây một ngày (mỗi suất tương đương 80g) để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim, đột quỵ, béo phì…
Bổ sung rau xanh, ăn uống điều độ và khoa học, ăn nhiều hoa quả tươi là cách nạp vitamin cho cơ thể rất tốt. 1 đĩa rau xanh hay trái cây tươi mát là cách tốt nhất để bớt ngán, làm đẹp da và tránh tăng cân.
Rau xanh, hoa quả rất tốt để giảm cân, đẹp da sau Tết. Ảnh minh họa.
* Hạn chế rượu, bia: Lễ tết hội hè, du xuân không thể thiếu rượu bia, nhưng uống nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe rất lớn, mất an toàn khi tham gia giao thông, còn có nguy cơ cao đối với các bệnh tim mạch, gút, tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường… Các độc tố tồn ở gan không đào thải kịp sẽ ảnh hưởng đến sự trao đổi chất, tổn thương gan và khiến chức năng thải độc của gan giảm sút, ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa.
Nếu phải uống rượu bia thì cần kiểm soát bản thân, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ ngày với nữ. 1 đơn vị cồn tương đương 3/4 chai/lon bia 330ml, hoặc 1 cốc bia hơi 330ml, hay 1 ly rượu vang 100ml, hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml. Và 1 tuần không nên sa đà uống rượu bia quá 5 ngày.
Với nước ngọt có ga thì uống nhiều sẽ đưa vào cơ thể nhiều đường gây tăng cân, hãy thay thế nước ngọt bằng các loại nước ép quả và nước mát.
Sau Tết nên trở lại thói quen ăn đồ tươi và nóng sốt hàng ngày bằng việc nấu cơm đều đặn, chế biến món rau xào hay những bát canh nóng hổi. Không nên cho người thân ăn nhiều đồ ăn nguội, đò trữ trong tủ lạnh vì sau vài ngày Tết không còn tươi ngon nữa.
Nếu là chủ tiệc, hãy nấu những món ăn ít dầu mỡ và dưới dạng calo thấp. Có nhiều cách để biến những món ăn truyền thống vừa giữ được mùi vị hấp dẫn vừa không hại sức khỏe như hấp, luộc… giúp ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe của người thân.
Sau Tết chị em nội trợ hãy lên kế hoạch và chọn thực đơn cho bữa ăn chính cho gia đình trong cả tuần, vừa tiết kiệm thời gian, vừa có chế độ ăn uống khoa học và thông minh. Kiểm soát tốt việc ăn uống, duy trì thói quen ăn uống lành mạnh là cách giúp người thân có sức khỏe tốt sau Tết và cả mùa lễ hội, tiệc tùng.
Sau Tết nhu cầu đi chơi, ăn uống lễ hội nhiều, mọi người cần chú ý:
– Cung cấp đủ nước uống (trên 2 lít nước/ngày) để đảm bảo sự hấp thu, chuyển hóa và cơ thể không mệt mỏi vì thiếu nước.
– Trẻ em và người cao tuổi hệ tiêu hóa làm việc không như những người trưởng thành nên càng phải được chăm sóc các bữa ăn đủ và đúng giờ. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cần có sự cân bằng cacbohydrat, protein, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
– Người thừa cân béo phì, bị bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút… cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của thầy thuốc điều trị.
Bác sĩ Hoàng Xuân Đại