Người Sài Gòn ăn chay ngày Tết các món 'chạo tôm, gà kho nấm, phá lấu', vì sao?

Người Sài Gòn ăn chay khác với thôn quê vì có rất nhiều món chế biến giống tên gọi các món mặn: Mắm chưng trứng, cá thu sốt cà, chạo tôm, phá lấu, gà kho nấm đông cô, cá trê và cá kèo kho tiêu, lẩu Thái Lan,…

Người Sài Gòn ăn chay ngày Tết các món 'chạo tôm, gà kho nấm, phá lấu', vì sao?

Ăn chay là cách ăn bắt nguồn từ những người theo đạo Phật – TN

Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Dương Hoàng Lộc, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết ở Sài Gòn, nhiều nguyên liệu chay được bày bán trong các siêu thị, các cửa hàng chay như: Tôm chay, thịt heo chay, mực chay, sườn heo chay, cá thu chay, bò chay, xúc xích chay, lạp xưởng chay, pa tê chay,…

Những nguyên liệu này được nhập từ Đài Loan, Hồng Kông hay được chế biến ngay ở trong nước. Ngoài ra, đó còn là nhu cầu về thị hiếu, thẩm mỹ của dân ăn chay đô thị. Tuy nhiên, một số người có ý kiến: “Ăn chay mà tâm mặn nên mới bày ra cách gọi và chế biến giống món mặn”.

Ông Lộc cho rằng việc chế biến và đặt tên các món chay theo kiểu món mặn chẳng qua là bước chuyển ban đầu để giúp con người bỏ bớt sát sinh, biết tạo nghiệp lành, phát khởi lòng từ bi, gieo duyên với nhà Phật. Các món chay dạng này rất hữu ích cho những người đang bước đầu tu tập.

Ở nước ta, ăn chay là cách ăn bắt nguồn từ những người theo đạo Phật, hoàn toàn sử dụng nguyên liệu chế biến từ thực vật. Cẩn thận hơn, những vị cao Tăng, vốn đề cao giới luật và giữ gìn phạm hạnh, nhấn mạnh đến một bữa chay tinh khiết là không sử dụng ngũ tân, gồm các gia vị hành, hẹ, tỏi, tiêu, nén, vì các thứ này làm cho người tu dễ phát khởi nhiều dục vọng.

Người Nam Bộ ăn chay như thế nào?

Ông Lộc giải thích, những người ăn chay thường ăn theo nhị trai (ngày 15 và mùng 1), tứ trai (ngày 14, 15 và 30, mùng 1), lục trai (ngày mùng 1, 8, 14, 15, 23 và 30) và thập trai (ngày mùng 1, 6, 14, 15, 23, 24, 28, 29 và 30) trong một tháng.

Trong dân gian, để cầu xin một việc gì đó thành tựu, người ta còn ăn chay luôn cả ba tháng có rằm lớn là: Tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười. Ngoài ra cũng có trường hợp do cả năm bề bộn công việc mưu sinh, nên một số người quan niệm chỉ ăn chay vào ngày mùng một Tết thì có thể bù cho cả năm, hơn nữa là nhằm cầu phước đức, may mắn trong năm mới và sám hối những gì đã làm không phải trong năm cũ.

Hiện nay, có một số người chọn ăn chay trường và họ xem là một cách hữu hiệu để chống lại bệnh tật, cải thiện cho sức khỏe bản thân. Y học cũng chỉ ra lợi ích của việc ăn chay đúng cách, dinh dưỡng hợp lý thì ngừa được bệnh ung thư, tăng cường hệ miễn dịch, tăng tuổi thọ, bình ổn huyết áp, ngừa bệnh tiểu đường, giảm cholesterol, chống xơ cứng động mạch và ngừa tai biến mạch máu não,…

Người Sài Gòn ăn chay ngày Tết các món 'chạo tôm, gà kho nấm, phá lấu', vì sao?

Có nhiều loại bánh tét chay như: Bánh tét nước tro, bánh tét chuối

Hơn nữa, người ta còn cho biết ăn chay giúp cho hành tinh chúng ta được tốt hơn, bảo tồn nguồn nước sạch, giảm ô nhiễm môi trường, bảo tồn nhiều loại động vật, tiết kiệm khí thải, hạn chế phát hoang rừng để làm đồng cỏ nuôi gia súc, giải pháp cho nạn đói trên thế giới,…

Theo ông Lộc, vào ngày Tết, để làm phong phú thêm cho bữa chay, người ta còn gói bánh tét, bánh ít, trước để cúng ngày 30 hay mùng ba và sau để biếu, ăn lai rai ba ngày xuân. Bánh tét chay hay còn gọi là bánh tét ngọt để phân biệt với bánh tét mặn. Có nhiều loại bánh tét chay như: Bánh tét nước tro, bánh tét chuối, …

Với những ngày Tết, người ta ăn món gì thì cúng ông bà tổ tiên món nấy. Có người chỉ ăn chay ngày mùng 1 hoặc hai ngày 30, mồng 1 hoặc cả ba ngày tết, thậm chí cả tháng Giêng. Cúng chay ngày Tết mang ý nghĩa cầu mong cho cửu huyền thất tổ (gia tiên) được nhiều phước lành, khởi tâm hướng về Phật pháp, được thanh thản và sớm siêu thoát.

Người Sài Gòn ăn chay ngày Tết các món 'chạo tôm, gà kho nấm, phá lấu', vì sao?

Bữa cơm chay thanh tịnh sẽ mang đến cho con người sự an lạc

Mặt khác, ăn chay ngày Tết giúp cho con người biết hướng về điều thiện, điều lành, phát từ tâm, tạo nhân duyên tốt… ngay từ ngày khởi đầu của năm mới. Phong tục ăn chay cũng góp phần chứng minh sự ảnh hưởng khá sâu sắc của Phật giáo vào đời sống văn hóa người Việt Nam, trong đó có văn hóa Tết.

“Trong thời khắc rộn ràng, nô nức của những ngày đầu năm mới, bữa cơm chay thanh tịnh sẽ mang đến cho con người sự an lạc, buông bỏ được phiền não và khơi dậy lòng hướng thiện trong tâm mỗi người rất lớn”, ông Lộc nhận định.

Theo Thanh niên online

Author: